Khơi thông “nông sản đường biên”: Sức ép xuất khẩu “chính ngạch”
Tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu đã xảy ra hàng năm và nó đang đặc biệt nghiêm trọng tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn.
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc
Nguyên nhân chính do Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng biện pháp nói không với COVID-19 – “Zero Covid”.
Chia sẻ với DĐDN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn lây nhiễm dẫn đến nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hoá đổ dồn về, gây ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn, đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.
- Như vậy tình trạng ùn ứ hàng hoá sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng trong tháng giáp Tết Nguyên đán. Vậy, Bộ NN&PTNT có khuyến nghị gì tới các doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Chúng tôi khuyến nghị đến các doanh nghiệp, cơ quan chức năng tại cửa khẩu các tỉnh có chung đường biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… để nắm chắc tình hình trước khi đưa hàng lên biên giới. Bởi một trong những nguyên nhân chính chúng tôi xác định gây ùn tắc là một số doanh nghiệp nông sản Việt Nam không thực hiện đúng quy định của phía bạn về xuất nhập khẩu, đặc biệt là không thực hiện đúng 5K trong phòng chống dịch COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy định của phía bạn trong xuất nhập khẩu, đặc biệt là các biện pháp 5K để phòng chống dịch COVID, kể cả người, phương tiện, hàng hóa trước khi đưa lên biên giới.
Về phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và các đơn vị từ Trung ương đến địa phương phía bạn, chúng tôi đã có chương trình làm việc định kỳ 6 tháng đối với cấp Trung ương, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có buổi làm việc để thống nhất các nội dung định hướng và tháo gỡ những khó khăn. Cách đây 1-2 tháng chúng tôi đã họp với lãnh đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất giải pháp, các nội dung để thúc đẩy, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của 2 nước tăng lên trong thời gian tới, và giải quyết những vướng mắc, khó khăn xảy ra ở cửa khẩu. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch động, thực vật của Việt Nam tại các cửa khẩu phối hợp chặt với phía bạn để tháo gỡ những vấn đề phát sinh tại cửa khẩu. Các đơn vị của Việt Nam đã được thông báo là phải trực 24/24 giờ để giải quyết các ách tắc khi doanh nghiệp có yêu cầu.
Trong tình hình COVID-19, Bộ NNPTNT đã tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại để kết nối nông sản giữa các doanh nghiệp 2 nước. Tổ chức thông tin trực tuyến các quy định mới, như Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc về đảm bảo các hàng hóa xuất khẩu sang biên giới.
Các doanh nghiệp cố gắng thực hiện đúng các quy định đã được 2 bên thông báo, đặc biệt là các quy định 5K đảm bảo chống dịch.
>>Bộ Công Thương khuyến nghị chuyển cửa khẩu và hình thức vận tải
- Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Bộ đề xuất những giải pháp căn cơ nào để tránh những thiệt hại tương tự cho doanh nghiệp và người dân, thưa Thứ trưởng?
Về các biện pháp sắp tới, các đơn vị kiểm dịch của Bộ sẽ liên hệ với các doanh nghiệp để thông báo tình hình ùn tắc hiện nay để doanh nghiệp có kế hoạch, thông tin, trao đổi trực tiếp để không đưa nhiều xe nông sản lên biên giới dẫn đến ùn tắc. Đặc biệt, sẽ kiên quyết không làm thủ tục cho các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện xuất nhập khẩu và các điều kiện về phòng chống dịch, đặc biệt các nhà máy chế biến cần kiểm soát chặt chẽ công nhân sản xuất để đảm bảo không lây nhiễm sang sản phẩm, hàng hóa.
Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, cho những diện tích vùng trồng, các vùng nguyên liệu xuất khẩu để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang các nước trong đó có Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo thuộc các tỉnh có hàng hóa xuất khẩu sang biên giới chỉ đạo các sở, ngành chức năng ở địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng ở biên giới để điều tiết lượng xe chở hàng hóa lên biên giới ở mức độ vừa phải nếu không sẽ ùn tắc gây khó khăn cho các tỉnh biên giới không chỉ về kinh tế mà còn về mặt xã hội.
Về lâu dài, cần thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện chúng ta mới có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch COVID-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ.
- Được biết, từ ngày 1/1/2022, phía Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu, vì vậy yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch lại càng cấp thiết, thưa Thứ trưởng?
Việc cần sớm chuyển hoạt động xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch đã nhiều lần được đề cập. Chúng tôi cũng lưu ý cả doanh nghiệp và thương lái cần có bước chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện mới vì hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch. Sở dĩ các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch bởi trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, như tình trạng ùn ứ.
Để làm được điều này, cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.
Từ góc độ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung - cầu…
- Một số địa phương đã đề xuất được hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics để bảo quản hàng nông sản khi tình trạng ùn ứ tương tự xảy ra, Thứ trưởng nhận định thế nào về đề xuất này?
Tôi cho rằng rất cần thiết phải xây dựng được trung tâm logistics để doanh nghiệp tránh bị động, áp lực, “làm giá” khi nông sản được đưa tới các cửa khẩu. Để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, có thể là theo hình thức công - tư, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình. Trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, Bộ cũng sẽ dành kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang giảm dần hình thức nhập khẩu tiểu ngạch, Bộ Công Thương khuyến các các doanh nghiệp cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Hiện nay có 9 loại nông sản chính của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NNPTNT đã chuẩn bị hồ sơ cho thêm 8 loại nông sản nữa để xuất khẩu chính ngạch, chỉ chờ dịch COVID-19 được kiểm soát để ký Nghị định thư với Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc
14:29, 23/12/2021
Ùn tắc nông sản biên giới: Bộ Công Thương khuyến nghị chuyển cửa khẩu và hình thức vận tải
11:00, 23/12/2021
Gỡ ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu chính ngạch
04:04, 23/12/2021
Ùn tắc nông sản biên giới: Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính?
04:00, 23/12/2021
Ùn tắc tại cửa khẩu do Trung Quốc tăng cường chống dịch
16:58, 21/12/2021