Doanh nghiệp năng lượng tái tạo hướng tới sứ mệnh phát triển bền vững
Nhìn lại bức tranh năng lượng tái tạo năm 2021, càng thấy rõ mục tiêu phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn, đem lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và cho thị trường điện Việt Nam.
Phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ là vấn đề doanh thu lợi nhuận, mà còn bao trùm thỏa mãn được lợi ích giữa ba bên gồm (Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện), kết hợp với sự hài lòng của nhà đầu tư, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh Việt Nam chưa có chính sách giá mua điện mới đối với điện mặt trời kết hợp với sự càn quét của COVID -19, khiến bức tranh về thị trường năng lượng tái tạo trở lên ảm đạm. Chia sẻ tâm tư nguyện vọng tới Diễn đàn Doanh nghiệp, các doanh nghiệp năng lượng cho biết: Khi rơi vào hoàn cảnh bế tắc do chủ quan và yếu tố khách quan tác động, nhà đầu tư mới càng thấm thía giá trị của sự phát triển bền vững quý giá đến nhường nào!
Không nằm ngoài sự ảnh hưởng do COVID-19, thị trường năng lượng tái tạo cũng bị thiệt hại nặng nề, nhà đầu tư đã trải qua một năm nhiều lo lắng và trăn trở. Đặc biệt phải kể đến các dự án điện gió đang triển khai, chạy đua với thời hạn giá FIT hết hạn vào ngày 31/10 vừa qua đã để lại nhiều hệ lụy lớn, khi xuất hiện những vụ tai nạn xảy ra nhiều hơn trong vận chuyển, lắp đặt và vận hành các Tuabin gió siêu trường, siêu trọng. Những vụ tranh chấp về đất đai, thổi giá đền bù, có cả trường hợp phải đổ máu liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Sự việc trên cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải trả cái giá quá đắt cho kế hoạch “Ăn xổi ở thì” thiếu giải pháp lâu dài, bền vững.
Dịch COVID-19 quay trở lại như quả “đấm bồi” khiến các nhà đầu tư điện gió đang thi công bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi 1/3 số dự án không thể về đích với tổng công suất khoảng 2.000MW, tương đương số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD đang không biết thu hồi ra sao và trả nợ thế nào? Với chính sách, việc gia hạn cơ chế giá FIT đã được đề xuất nhiều lần, nhưng hiện tại chưa có quyết định cuối cùng và các nhà đầu tư vẫn tiếp tục gắng gượng chờ đợi các cấp có thẩm quyền xem xét.
Việc cắt giảm công suất các dự án NLTT trong đó có điện gió vẫn tiếp tục diễn ra. Và nếu trước đây nguyên nhân chính là do đường dây quá tải thì năm 2021 còn ảnh hưởng do phụ tải giảm (một hệ lụy từ COVID – 19 khiến kinh tế ngưng trệ, khả năng tiêu thụ điện giảm đáng kể).
Theo số liệu tính toán của doanh nghiệp, với hơn 20790 MW NLTT, nếu cắt giảm bình quân 10% thì mỗi năm chúng ta mất khoảng 12 ngàn tỷ đồng (bình quân 500 triệu đồng/MW); một con số thiệt hại không nhỏ đã tác động tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của các Nhà đầu tư NLTT trong năm 2021.
Hệ lụy trên cho thấy phát triển năng lượng tái tạo còn thiếu các giải pháp tính toán về khả năng đường truyền tải, thiếu những chiến lược tổng thể dài hạn, thiếu số liệu thống kê cụ thể về công suất tiêu thụ của từng địa phương, từ đó không thể đưa ra con số phân bổ chính xác cho từng vùng...gây thiệt hại cho doanh nghiệp đầu tư NLTT khi phải cắt giảm công suất đến 60% công suất phát trong thời gian qua.
Đánh giá về tiềm năng thị trường năng lượng tái tạo năm 2022, đại diện Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận- ông Bùi Văn Thịnh cho biết; điều khích lệ lớn nhất cho NLTT vào thời điểm này có lẽ là động lực đến từ những cam kết mạnh mẽ của các nguyên thủ quốc gia trong đó có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Cụ thể ngay sau Hội nghị, dự kiến công suất cho điện gió ngoài khơi trong dự thảo QH Điện 8 đã tăng từ mức 2.000MW lên 5.000MW vào năm 2030. Điều này đã giúp nhiều tỉnh thành ven biển từ Bắc vào Nam đua nhau đăng ký điện gió ngoài khơi với tổng công suất đã vượt 100.000MW, hứa hẹn một thị trường NLTT sôi động tiềm năng đang chuẩn bị phát triển trong năm tới.
Tuy nhiên, để điện gió phát triển xứng tầm, bền vững và hướng tới các mục tiêu trung hạn và dài hạn, theo ông Thịnh rất cần những chính sách rõ ràng, nhất quán. Song song với đó, cần làm thí điểm 1 dự án ĐGNK để hoàn thiện chính sách cho nguồn điện đầy tiềm năng này. Nếu đắn đo về tính đảm bảo an ninh quốc phòng thì Việt Nam có thể tham khảo Đài Loan. Bởi trở ngại không phải ở vấn đề địa lý mà là cách quản lý và chính sách phù hợp.
“Như sau 31/10/2021 giá mua điện gió như thế nào? Nhất là cho 2.000 MW đang vượt khó về đích, hiện vẫn chưa có chính sách rõ ràng. Về truyền tải, thì Qui hoạch phát triển lưới điện thế nào? Tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải bằng hình thức BOT - hình thức hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng, kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn khai thác sẽ chuyển giao lại cho cơ quan nhà nước như bên giao thông đã thực hiện, hay không?”- ông Thịnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cần điều chỉnh giá bán điện để EVN có chính sách mua NLTT hợp lý với tỷ trọng ngày càng nhiều, đảm bảo phát triển cùng Win - Win giữa Nhà nước và doanh nghiệp? Tránh tình trạng để doanh nghiệp rơi vào tình thế phải "khóc thầm" như thời gian vừa qua, vì quyết định cắt giảm công suất phát với đủ lý do, sẽ khiến giảm khả năng thu hút đầu tư, và tất nhiên điều này sẽ không được coi là phát triển lành mạnh được.
Có thể bạn quan tâm
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Để phát triển bền vững cần tăng cường nội địa hóa
16:45, 26/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần nâng cấp lưới điện và tăng cường liên kết vùng
16:16, 26/11/2021
Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong dài hạn
04:00, 31/12/2021
Cần thực hiện đấu thầu để phát triển nguồn điện bền vững
04:00, 13/12/2021
Cơ chế đấu thầu cần nghiên cứu kỹ về pháp lý và xã hội
04:00, 20/01/2022