Cơ hội đón làn sóng đầu tư mới vào khu công nghiệp

VŨ PHƯỜNG 14/08/2022 03:00

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

>>>Thu hút đầu tư có chọn lọc vào khu công nghiệp để bảo vệ môi trường

Các khu kinh tế, KCN đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất

Các khu kinh tế, KCN đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất (Ảnh: Vũ Phường)

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 6,42%, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động FDI và xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.

Cùng với việc Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hứa hẹn sẽ làm gia tăng dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của Việt Nam với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau đại dịch.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, 07 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút hơn 15,54 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới; vốn giải ngân đạt trên 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất của 07 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, các khu kinh tế, KCN đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Hiện, cả nước có 564 KCN được quy hoạch với tổng diện tích 211.700 ha, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực. Riêng tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD.

Nhiều Tập đoàn lớn trên Thế giới đã chọn Việt Nam làm nơi phát triển đầu tư, kinh doanh (Ảnh: Vũ Phường)

Nhiều Tập đoàn lớn trên Thế giới đã chọn Việt Nam làm nơi phát triển đầu tư, kinh doanh (Ảnh: Vũ Phường)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng của thế giới. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các KCN.

Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế chiếm khoảng 35% - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. KCN, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng KCN đã phát triển thành tập đoàn đầu tư đa ngành, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

>>THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: Thành lập khu công nghiệp lớn để dệt may phát triển bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, vốn giải ngân FDI trong 07 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ phản ánh nhu cầu tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động của các dự án hiện hữu vẫn tiếp tục tăng bất chấp tác động của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp FDI đang phục hồi và dần mở rộng dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron…

Để đón nhận làn sóng đầu tư mới, Việt Nam sẵn sàng chấp nhận các thách thức đi cùng

Để đón nhận làn sóng đầu tư mới, Việt Nam sẵn sàng chấp nhận các thách thức đi cùng

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho rằng, thu hút đầu tư vào KCN hiện nay của chúng ta đang đối diện một số thách thức, như: Thủ tục hành chính còn chồng chéo, thời gian thực hiện dài làm tăng thêm chi phí và thời gian, giảm hiệu quả dự án đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng cho các KCN mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài. Các chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất còn khó khăn; vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các KCN, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các KCN, khu kinh tế.

Do đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Kiên, Chính phủ cũng như các cơ quan chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Mối quan hệ ba bên Nhà đầu tư - Chủ đầu tư KCN - Chính phủ mang tính tương hỗ mật thiết và cần được quan tâm thường xuyên để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư tại địa bàn các KCN.

Bên cạnh đó, hoạt động của các KCN, khu kinh tế liên quan đến nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thuế và nhiều luật khác. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét và có sự tích hợp đồng bộ giữa các luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bao gồm cả các chính sách về thuế để tháo gỡ các vướng mắc cho cả chủ đầu tư KCN và bản thân các doanh nghiệp đầu tư trong đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút FDI lớn, mở cơ hội cho các nhà phát triển BĐS công nghiệp

    Thu hút FDI lớn, mở cơ hội cho các nhà phát triển BĐS công nghiệp

    03:02, 02/08/2022

  • Công nghiệp chế biến, chế tạo “hút” vốn FDI

    Công nghiệp chế biến, chế tạo “hút” vốn FDI

    03:00, 27/07/2022

  • Bắc Giang: Bứt phá mới để thu hút FDI

    Bắc Giang: Bứt phá mới để thu hút FDI

    10:15, 08/07/2022

  • Bùng nổ FDI vào ASEAN

    Bùng nổ FDI vào ASEAN

    03:30, 30/06/2022

VŨ PHƯỜNG