Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023: Thúc đẩy đầu tư “xanh”
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có nhiều thuận lợi, song cần cải thiện hơn nữa một số quy định về thủ tục hành chính.
>>> VCCI ủng hộ kế hoạch đăng cai "Thế vận hội" về kinh tế của Busan (Hàn Quốc)
Đó là các ý kiến được nêu tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023” đã được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh chiều ngày 18/5/2023 với gần 500 đại biểu tham dự.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, cùng sự có mặt của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ và hơn 150 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023” là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức trong năm 2023.
Hiện nay, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp và trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại.
Việt Nam là đối tác kinh tế lớn của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Vì vậy, Việt Nam luôn hỗ trợ, lắng nghe và nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư Hàn Quốc theo quy định pháp luật, giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju nhấn mạnh, chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023” đã bước sang năm thứ 4 và trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ thường niên giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với Việt Nam.
Sự kiện năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, có số lượng đại biểu tham dự đông nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không có văn phòng tại Việt Nam cũng tham dự. Đây cũng là chương trình đầu tiên được tổ chức sau khi 2 nước nâng cấp mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 12/2022.
Qua đó, chương trình tạo điều kiện để doanh nghiệp và lãnh đạo 2 nước trao đổi, thảo luận, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới. Cùng với đó, Đại sứ tin tưởng mối quan hệ hợp tác 2 bên tiếp tục có bước phát triển, chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023 sẽ trở thành nền tảng tăng trưởng mới cho cả 2 quốc gia.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Về hợp tác cấp địa phương, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết một số huyện, thành phố của tỉnh đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác, giao lưu với các địa phương của Hàn Quốc như: Daegu, Gumi, Busan, Bonghwa... Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động trao đổi đoàn, hợp tác đã diễn ra, góp phần thiết thực thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Hiện Hàn Quốc đứng đầu trong 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh với 960 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 14,34 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh và có trên 6.400 người Hàn Quốc đang làm việc và sinh sống tại tỉnh Bắc ninh, chiếm 48% số lao động người nước ngoài tại tỉnh.
Với thế mạnh và kinh nghiệm về công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc, kết hợp với các lợi thể của tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đầu tư “xanh” vào các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp,…), công nghiệp hỗ trợ, gắn với phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; công nghệ đầu cuối 5G, 6G; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…); các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái…
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn nhất định; trong đó phải kể đến khó khăn về giấy phép lao động, thủ tục cấp visa. Theo ông Hong Sun, việc cấp giấy phép lao động tại Việt Nan kéo dài tới 2-3 tháng từ khi nộp hồ sơ tới khi được cấp do quá trình hoàn thiện bổ sung hồ sơ kéo dài. Về visa nhập cảnh, nhân viên người Việt của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bắt buộc phải tới nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, do đó các doanh nghiệp ở tỉnh gặp khó khăn khi phải đi lại nhiều lần để nộp hồ sơ.
Ông Hong Sun kiến nghị, phía Việt Nam cần đưa ra hướng dẫn chính xác về các hạng mục cần chuẩn bị khi nộp hồ sơ để tránh việc hồ sơ bị thiếu, sai sót và đi lại nộp nhiều lần. Đồng thời, ông khẳng định, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư là yếu tố không thể thiếu để phòng tránh việc doanh nghiệp Hàn Quốc rời khỏi Việt Nam, cũng là để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đầu tư hơn nữa.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương cho hay, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ngước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương tại Việt Nam đã gốp phần mở rộng đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư và đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam và luôn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững thông qua hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Ông Lee Jong Seob cũng cho rằng, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, do đó cần tăng tỷ trọng và tăng cường các quy định thân thiện với môi trường đối với các ngành công nghiệp truyền thống; mở rộng tỷ trọng của ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo. “Các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi), thiết lập cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực như nông nghiệp thân thiện với môi trường và mở rộng cơ hội hợp tác mua sắm sản phẩm và thiết bị là các để ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng quan hệ hợp tác “xanh” giữa Việt Nam và Hàn Quốc” – ông Lee Jong Seob nói.
Cũng trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023”, sáng 18/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Ngô Tân Phượng đã tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc do ông Kim Hyong Mo, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI) làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Thông qua buổi gặp gỡ, giới kinh tế Hàn Quốc biết đến Bắc Ninh không chỉ bởi đây là nơi đặt chân của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có Samsung, mà còn ấn tượng bởi các lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Qua đó, KCCI sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Bắc Ninh và các khu công nghiệp của tỉnh đến các nhà đầu tư Hàn Quốc về tìm hiểu và đầu tư.
Một số hình ảnh khác trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc bộ năm 2023”:
Có thể bạn quan tâm
Tính cấp thiết điện áp mái trong doanh nghiệp
11:14, 19/05/2023
Gặp gỡ Doanh nghiệp FDI Hải Dương: Nhiều vấn đề nóng được đưa ra
10:55, 19/05/2023
Doanh nghiệp Ba Lan mong muốn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam
09:15, 19/05/2023
Gỡ khó cho doanh nghiệp ngành nhôm bằng bài toán liên kết
03:00, 19/05/2023