Qua trao đổi với đoàn công tác của VCCI HCM, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp sản xuất thịt xuất khẩu của Ba Lan đều bày tỏ mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
>>>Ấn tượng với xứ sở táo lớn nhất của Ba Lan
Trong khuôn khổ của chuyến công tác tìm hiểu về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, do Trung tâm xúc tiến – Phòng Thương mại Ba Lan tổ chức, đoàn cán bộ Liên đoàn Thương mai và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp đã làm việc với một số doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm của Ba Lan, nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Qua trao đổi với đoàn công tác, lãnh đạo các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được mở rộng quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước vẫn còn một số khó khăn như giá cả cũng như một một số quy định chưa được tháo gỡ.
Trao đổi với đoàn công tác, bà Thủy Bùi – Trade Manager Công ty Mir - Kar cho biết, Mir - Kar định hướng phát triển mạnh ở thị trường châu Á, quốc gia đầu tiên mà doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm sang cũng chính là Việt Nam. Trong 2 năm gần đây, doanh nghiệp mở rộng sang các nước khác như Hồng Kông, Malaysia, Campuchia, Myanma.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của Mir – Kar vẫn là thị trường châu Phi. Trung bình cách 1 tháng, doanh nghiệp xuất sang châu Phi 1 tàu thủy, tương đương với 5.000 tấn hàng hóa. Ngoài xuất khẩu các sản phẩm do chính công ty sản xuất như thịt heo, Mir-Kar còn là đại diện cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi.
Theo bà Thủy, xuất khẩu sang thị trường châu Phi không hề đơn giản, nếu các doanh nghiệp không am hiểu kỹ về thị trường này thì rủi ro đến với doanh nghiệp là rất lớn, thậm chí doanh nghiệp có thể mất trắng, đặc biệt là trong vấn đề thanh toán.
Hiện tại, thị trường châu Phi rất ưa chuộng các sản phẩm, gạo, cá Tra từ Việt Nam. Mir - Kar đang nỗ lực để kết nối với các nhà sản xuất tại Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện giá cá Tra của Việt Nam đang khá cao so với các nước khác như Ấn Độ, hay Malaysia.
“Châu Phi là một thị trường khá dễ tính, họ không đòi hỏi quá cao về chất lượng, mà chỉ quan tâm đến giá cả. Do đó, giá cả các mặt hàng này của Việt Nam cao đang là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường này”, bà Thủy chia sẻ.
Đối với thị trường Việt Nam, bà Thủy cho biết, Mir-Kar đã xuất khẩu sang Việt Nam từ hơn 10 năm nay, với hai sản phẩm chính là thịt lợn và thịt gà, theo Giấy phép của Cục thú y, và hiện đang xin thêm Giấy phép để xuất khẩu cá sang thị trường Việt Nam.
Với thế mạnh về kho đông lạnh, ngoài việc giết mổ lợn do doanh nghiệp nuôi, Mir-Kar cũng đang thu mua thịt tươi từ các trang trại tại Ba Lan và cấp đông tại kho đông lạnh của công ty, theo đúng tiêu chuẩn cấp đông sâu -40 độ C. Đối với sản phẩm gà, Mir-Kar không giết mổ mà thu mua gà tươi từ các trang trại về cấp đông và xuất khẩu đi các nước. Ngoài ra, Mir-Kar cũng xuất đầu cá hồi sang thị trường Việt Nam.
“Trước thời điểm dịch COVID-19, chúng tôi xuất về Việt Nam khoảng 1.000 container, tương đương với 27.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sau dịch lượng hàng xuất về Việt Nam đã giảm đi từ 30-40%, năm 2022, xuất khẩu về Việt Nam chỉ còn khoảng 600 – 700 container. Hiện nay, đang có dấu hiệu phục hồi nhanh, nhưng so với trước dịch thì vẫn chưa bằng”, bà Thủy cho biết.
Trao đổi lại với doanh nghiệp về vấn đề giá cá Tra của của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI HCM) cũng cho biết, qua làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông cũng nhận được phản ảnh về giá cả hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nam, việc giá cao có thể là do các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài không trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, mà thông qua các doanh nghiệp là đại diện thương mại, do đó, giá cả một số mặt hàng bị đẩy lên cao hơn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Nam cũng thông tin, hiện nay, EU đang áp Thẻ vàng đối với thủy sản đánh bắt xa bờ của Việt Nam. Tại các sự kiện gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Ba Lan, VCCI cũng lên tiếng đề nghị Ba Lan ủng hộ việc EU gỡ Thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam.
“Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn cản cũng như hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.
>>>Tăng cường hơn nữa các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan
Ông Damian Manikowski – Chủ tịch Công ty Firma Drobiarska, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gà lớn thứ 3 của châu Âu cho biết, Firma Drobiarska được ông thành lập từ năm 2.000 từ việc mua lại một nhà máy giết mổ hoạt động không hiệu quả. Quy mô nhà xưởng khoảng 700 ha, bao gồm nhà máy giết mổ, kho lạnh và khu văn phòng công ty. Hệ thống kho lạnh của doanh nghiệp có thể lưu trữ được khoảng 4.000 tấn gà thành phẩm.
Do thị trường gà nguyên liệu của Đức ổn định hơn so với Ba Lan, nên phần lớn gà nguyên liệu được doanh nghiệp nhập khẩu từ Đức về giết mổ sau đó xuất khẩu đi các nước. Công suất giết mổ của nhà máy đạt khoảng 100.000 con gà/ngày, tương đương với 120.000 tấn gà/ngày.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu chính của công ty là khu vực châu Phi, gồm một số nước như: Công Gô, Ga La, Bờ Biển Ngà, Nam Phi…Tại thị trường châu Á có Hồng Kông, Việt Nam, trong đó, thị trường Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu các mặt hàng chân gà và cánh gà. Tổng sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 50 tấn/1 tháng.
Về chất lượng của các sản phẩm gà đông lạnh của doanh nghiệp, ông Damian Manikowski cho biết, mặc dù gà được cấp đông ngay sau khi giết mổ và có thể lưu trữ trong kho lạnh với thời gian lên đến 18 tháng, nhưng chất lượng gà không bị ảnh hưởng, do sử dụng phương pháp cấp đông nhanh ở nhiêt độ -35 độ C, sau đó đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ từ 18-20 độ C.
Theo ông Damian Manikowski, phương pháp cấp đông nhanh ở nhiệt độ -35 độ C sẽ giúp thịt gà không bị vi khuẩn xâm nhập, do đó, chất lượng không bị ảnh hưởng cũng như thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn.
“Ngoài cánh gà và chân gà, thời gian tới chúng tôi cũng mong muốn sẽ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều phần khác của con gà như đùi gà hoặc gà nguyên con”, ông Damian Manikowski chia sẻ. Đồng thời, ông cũng khẳng định, chất lượng thịt gà xuất khẩu của doanh nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu và không phân biệt chất lượng giữa các thị trường nhập khẩu.
Ông Marek Marszalkowski – Chairperson of the Board Công ty Mark’s, một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thịt của Ba Lan cho biết, Mark’s đã hoạt động trong ngành thịt tại Ba Lan được 32 năm, và ông chính là người sáng lập ra Mark’s.
Hiện Mark’s đang là nhà sản xuất các sản phẩm thịt đông lạnh từ heo và bò, cùng nhiều sản phẩm được chế biến từ hai loại thịt này. Mark’s có 2 nhà máy giết mổ với hệ hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại. Riêng với dây chuyền đóng gói sản phẩm hiện đang là dây chuyền mới nhất tại Ba Lan hiện nay.
Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang 25 nước trên thế giới, nổi bật như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý…Tại châu Âu, các sản phẩm của Mark’s hiện đang có mặt ở nhiều siêu thị lớn.
Ở thị trường châu Á, ông Marek Marszalkowski cho biết, Mark’s đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Việt Nam. Đối với Việt Nam, công ty hiện chỉ mới xuất khẩu các sản phẩm từ thịt lợn. Riêng thịt bò, do hai nước chưa ký Hiệp định Thú y với nhau nên chưa được phép xuất khẩu sang Việt Nam. Ông hy vọng, trong thời gian ngắn nữa, nếu Hiệp định này được ký kết, thì các sản phẩm từ thịt bò của Mark’s sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Marek Marszalkowski, thị trường Việt Nam tiêu thụ nhiều nhất là chân giò lợn. Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng ưa thích sản phẩm sườn tam giác (sườn già) dùng để nấu soup (canh), bởi giá thành rẻ hơn loại sườn khác.
“Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt đông lạnh, cũng như các sản phẩm được chế biến từ thịt lơn và thịt bò chất lượng cao của Mark’s đến với người tiêu dùng Việt Nam”, ông Marek Marszalkowski mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Ấn tượng với xứ sở táo lớn nhất của Ba Lan
12:09, 17/05/2023
Tăng cường hơn nữa các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan
00:39, 25/02/2023
“Bước tiến” mới trong quan hệ Việt Nam-Ba Lan
12:00, 23/01/2023
Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU
00:50, 08/12/2022
Khai phá tiềm năng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan
16:25, 23/11/2022
Quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - Ba Lan có bước phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm
01:07, 12/08/2022