Quảng Nam: Nan giải bài toán tiến độ tại các dự án bất động sản
Phần lớn các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chậm tiến độ đều xuất phát từ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
>>Quảng Nam: Dự án ngưng trệ, người dân bị “treo” quyền lợi
Hiện tại vẫn đang còn hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thi công bị chậm trễ, kéo dài qua nhiều năm song vẫn không hoàn thiện. Trong đó, nhiều dự án được chính quyền Quảng Nam cho gia hạn nhiều lần với nguyên nhân do vướng mặt bằng.
Qua tìm hiểu, từ đầu năm 2022 đến nay địa phương này đã gia hạn tiến độ cho hàng loạt dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Vào tháng 9/2022, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu phố chợ Điện Nam Bắc đến hết tháng 12/2022 do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thống nhất điều chỉnh tiến độ hoàn thành với hàng loạt dự án như Khu đô thị Phúc Viên, Khu đô thị Hưng Thịnh, Khu đô thị An Bình Riverside, Khu đô thị Ngọc Dương Riverside mở rộng,... Việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về tiến độ của các dự án tại địa phương này. Trong đó, nhấn mạnh việc các chủ đầu tư dự án thường “cầm đèn chạy trước ô tô” gây các hệ quả tiêu cực.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Nam, hiện tại có 158 dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong đó có đến 77 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ quá 12 tháng.
Đặc biệt, tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có đến 74 dự án nhưng chỉ mới hoàn thành 10 dự án và 2 dự án cơ bản hoàn thành. Hiện có 56 dự án đang triển khai thực hiện song có đến 39 dự án đô thị, nhà ở chậm tiến độ quá 12 tháng và 3 dự án chưa có thông tin về tiến độ thực hiện.
Tại khu vực này cũng đã có 4 dự án dừng thực hiện, chuyển về cho UBND thị xã Điện Bàn tiếp tục đầu tư. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam cũng đang thực hiện quy trình chấm dứt hoạt động 2 dự án.
Theo báo cáo do ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam ký trình UBND tỉnh, nguyên nhân chậm tiến độ là do đa số các dự án nhà ở điều chỉnh gia hạn trên 12 tháng, có nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án đã triển khai 3-5 năm nhưng chỉ mới hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời, phương án giải phóng mặt bằng vẫn chưa được duyệt để chi trả đền bù, thu hồi đất, giao đất triển khai thi công.
“Một số dự án nhà ở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện. Có những dự án quy mô rất nhỏ (từ 1,7ha - 5ha) nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, giao đất để triển khai thực hiện”, văn bản do ông Văn ký nêu rõ.
Còn có một số nguyên nhân liên quan đến chủ đầu tư một số dự án nhà ở huy động vốn khi chưa đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, dẫn đến hậu quả mất khả năng tài chính. Nhiều dự án triển khai chậm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại làm mất an ninh trật tự.
Do đó, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam đề xuất phương án hạn chế việc cho phép nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án. Cùng với đó, Sở này cũng cho rằng cần chú trọng tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với trường hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không thể thực hiện được đề nghị địa phương rà soát đề xuất điều chỉnh dự án (giảm diện tích, quy mô đầu tư), không điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện. Đối với nhóm dự án đã kéo dài nhiều năm, chỉ mới thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai, chưa giao đất thì dừng thực hiện.
Trao đổi về vấn đề các dự án bị thu hồi trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương sẽ căn cứ quy hoạch đã duyệt để tiếp tục triển khai. Theo đó, sau khi tiếp tục đầu tư tại khu vực đã có quy hoạch, địa phương sẽ phải ràng buộc nhiều hơn đối với các chủ đầu tư dự án. Cùng với đó, rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh đảm bảo quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí cho cảnh quan, công cộng.
Có thể bạn quan tâm