Các dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng ra sao?

MAI AN 10/11/2023 05:00

Tăng trưởng âm so với cuối năm ngoái nhưng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua, nhiều dự án tại TP.HCM đã và đang được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý.

>>Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó thanh khoản

Ghi nhận vướng mắc tại 148 dự án với 189 kiến nghị, đến nay TP.HCM đã giải quyết được gần 30%.

TP.HCM giải quyết được gần 30% vướng mắc

Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, 9 tháng đầu năm tăng trưởng bất động sản trên địa bàn thành phố âm hơn 8% so với cuối năm ngoái nhưng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua. Ghi nhận vướng mắc tại 148 dự án với 189 kiến nghị, đến nay Thành phố đã giải quyết được gần 30%.

Cụ thể, theo ông Hồ, thời gian qua Tổ công tác đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ cho các dự án, chủ yếu tập trung vấn đề có tính chất liên ngành, một đơn vị không thể quyết định được mà cần sự thống nhất. Nhưng việc tháo gỡ vướng mắc cần theo trình tự, vướng chỗ nào tham mưu chỗ đó nhưng chưa thông suốt tổng thể, liên tục để giải quyết toàn bộ. Điều này dẫn đến tình trạng xong chỗ này lại vướng chỗ khác… nên chưa tiết kiệm được thời gian.

Ông Hồ cho biết, có hai nội dung vướng mắc liên quan đến yếu tố pháp luật.

Một là,các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen, bản thân quy định pháp luật khi ban hành mới lại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp. Việc tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành khi chuyển tiếp cũng khác nhau. Việc này dẫn đến yếu tố chuyển tiếp cần trao đổi, nhìn nhận thống nhất và xin ý kiến của bộ, ngành, Tổ công tác chính phủ để áp dụng cho thống nhất. 

Hai là,vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, từ việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc cũng phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung.

>>Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp

Đồng Nai: Loạt dự án được tháo gỡ

Tại Đồng Nai, ông Thái Doãn Hòa, Phó Trưởng Phòng Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, một số vướng mắc tại dự án của các doanh nghiệp Novaland, Nam Long và một số đơn vị khác đã và đang tích cực được tháo gỡ. Đáng chú ý, ở Phân khu C4 tại TP Biên Hòa về cơ bản đã tháo gỡ bước đầu để doanh nghiệp được bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Phân khu C4 tại TP Biên Hòa về cơ bản đã tháo gỡ bước đầu để doanh nghiệp được bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác xử lý các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập ba tổ công tác, trong đó tổ tháo gỡ vướng mắc về chậm triển khai; xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ phát triển nhà ở xã hội. 

Theo ông Hoà, tỉnh đã nhận diện 5 nhóm khó khăn vướng mắc chính:

Thứ nhất, là khó khăn, vướng mắc về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư. Theo đó, Luật Đầu tư hiểu một kiểu nhưng Luật Nhà ở lại hiểu một kiểu khác. Các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm nay, hiện tại cơ quan Thanh tra vào lại bắt thực hiện theo Luật Nhà ở, tức là phải có đất ở. Việc này tỉnh Đồng Nai cũng không gỡ được mà phải báo cáo lên Chính phủ.

Thứ hailà khó khăn trong việc giao đất cho doanh nghiệp bởi công tác định giá đất cũng gặp khó. Có dự án giao đất rồi mà không thể tư vấn định giá vì các công ty tư vấn không dám định giá do khó khăn trong việc giải trình với cơ quan kiểm toán.

Thứ ba là vướng quy hoạch. Hiện quy hoạch phân khu của tỉnh chưa phủ kín, công tác kêu gọi đầu tư chậm. Một số quy hoạch tỉnh đã có rồi nhưng chưa đồng bộ. Phân khu quy hoạch 1/500 trái nhau…

Thứ tưlà khó khăn trong điều kiện kinh doanh bất động sản. Các quy định trong luật, văn bản luật liên quan đến phân lô bán nền yêu cầu phải hoàn thành cơ sở hạ tầng, các công trình... Với các dự án quy mô lớn hàng trăm ha, quy định này khá ngặt nghèo, gây khó khăn cho chủ đầu tư. 

Thứ nămlà khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội nằm trong các dự án. Theo đó, đã có nhiều dự án triển khai theo Nghị định cũ nhưng sau này dự án điều chỉnh quy hoạch thì lại bị vướng. Điều 182 Luật Nhà ở quy định, địa phương phải lập thẩm định lại, buộc doanh nghiệp phải dành 20% diện tích dự án làm nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Đồng Nai xác định vấn đề này rất khó và đã phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nội dung liên quan cho Novaland.

"Tỉnh Đồng Nai rất thấu hiểu cho doanh nghiệp nhưng không biết phải làm sao. Thực tế không phải cái gì tỉnh cũng làm được. Trong kỳ họp Quốc hội lần này, không biết chắc có thông qua ba luật quan trọng liên quan bất động sản hay không, để các quy định thống nhất với nhau nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho thị trường bất động sản", ông Hòa chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó thanh khoản

    Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó thanh khoản

    15:35, 09/11/2023

  • Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp

    Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp

    03:00, 08/11/2023

  • Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng

    Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng

    16:00, 07/11/2023

  • Bất động sản phía Nam khởi sắc trở lại

    Bất động sản phía Nam khởi sắc trở lại

    15:25, 07/11/2023

MAI AN