Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Không nên bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn
Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất chỉ khuyến khích thay vì bắt buộc mọi giao dịch bán, cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn.
>>Thị trường văn phòng toàn cầu gặp nhiều khó khăn
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo trình Quốc hội lần này chưa nêu rõ hết các yêu cầu của UBTVQH, khái niệm kinh doanh trong hệ thống pháp luật phải được sử dụng thống nhất.
Ông Định cho rằng, cần phân biệt giữa việc trao đổi mua bán theo pháp luật dân sự với hoạt động mua bán bất động sản chuyên nghiệp. Các tổ chức cá nhân đều có quyền mua bán bất động sản, nhưng với các chủ thể thì phải thành lập doanh nghiệp, phải đáp ứng những yêu cầu nhất định. Tương tự như vậy, với những đối tượng kinh doanh không phải bất động sản nào được mua bán cũng là đối tượng của luật này.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dựa trên Mục 2 Chương VII dự thảo Luật, quyền tham gia giao dịch bất động sản qua sàn của doanh nghiệp và người dân cần được tôn trọng. Cùng với đó, cần quy định chặt chẽ về các điều kiện cũng như quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản. Từ đó, phát triển sàn giao dịch bất động sản theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch.
Ông Thanh cho biết thêm, sau khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế nhất trí sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi này cần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời theo sát phương hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, ông đề nghị thay vì quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản như tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật, chỉ nên khuyến khích các tổ chức và cá nhân thực hiện quy định này.
>>Lãi suất liên tục giảm nhưng thanh khoản thị trường vẫn... "dậm chân tại chỗ"
Tương tự, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho biết, việc bắt buộc mọi giao dịch bán, cho thuê nhà phải qua sàn sẽ khiến chi phí phát sinh, mức giá bán tăng và người mua phải gánh chịu thiệt thòi. Ông cho rằng, chỉ riêng giao dịch qua sàn thì không đủ đảm bảo tính pháp lý, trong tình hình cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đang được xây dựng và chất lượng hoạt động công chứng ngày càng tốt hơn thì việc công chứng sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn ngừa các hành vi gian lận.
Thời gian vừa qua, nhiều sàn giao dịch bất động sản chưa được kiểm soát chặt chẽ, có dấu hiệu lũng đoạn thị trường, thậm chí còn hợp thức hóa sai phạm của các chủ đầu tư, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, theo tổng kết của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã xuất hiện tình trạng sàn giao dịch bất động sản liên kết với chủ đầu tư nhằm lách luật dưới hình thức phân phối sản phẩm thông qua trung gian, nhưng thực tế là sàn đã mua bất động sản của chủ đầu tư, giúp người dân và doanh nghiệp có cơ hội trốn thuế.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, có nhiều hiện tượng “bắt tay” giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch nhằm đẩy giá bất động sản lên cao và gây sốt ảo thị trường. Do đó, không nên bắt buộc mọi giao dịch phải qua sàn mà chỉ nên khuyến khích. Nếu các sàn đi vào hoạt động quy củ thì dù tốn thêm chi phí, người dân cũng sẽ tự nguyện tham gia.
Hiện nay, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để điều tiết thị trường, Ủy ban Kinh tế yêu cầu các cơ quan bổ sung quy định với các trường hợp vượt thẩm quyền của Chính phủ thì quy định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo các luật chuyên ngành.
Có thể bạn quan tâm
M&A bất động sản hứa hẹn tăng nhiệt với nhiều thương vụ lớn
14:01, 19/06/2023
Bất động sản HODECO: Vững tay chèo để “vượt sóng”
17:19, 18/06/2023
Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều
05:00, 18/06/2023
Vì sao bất động sản vẫn "đóng băng"?
05:00, 17/06/2023
Doanh nghiệp bất động sản tránh “chết chìm trên đống tài sản”
03:00, 17/06/2023