Tạo quỹ đất phát triển du lịch
Theo TS. Cấn Văn Lực, còn nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Các chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật và quy định liên quan.
>>Định hướng lên đô thị loại II, bất động sản TP Đồng Xoài tăng nhiệt
Mới đây, tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho rằng, hạ tầng du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nâng tầm diện mạo đô thị, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
Song, thực tế hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa thực sự tạo động lực cho phát triển hạ tầng du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, hiện nay còn nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Trong đó, chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan như Luật Đầu tư 2020, Luật PPP 2020….
Bên cạnh đó, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp du lịch hiện không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ).
Doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lại phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và khả năng thỏa thuận đền bủ giải phóng mặt bằng dự án (cần thỏa thuận đền bù với 100% số hộ dân). Đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
Theo Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng lại không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse, ….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Hiện nay Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang quy định Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau (Điều 144) mà chưa quy định chi tiết việc cấp giấy chứng nhận đối với đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất du lịch và các loại hình bất động sản du lịch hình thành trên đất du lịch.
>>Tiền đặt cọc dự án không vượt quá 5% giá trị bất động sản
Do đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…
Về phía doanh nghiệp, theo TS. Đỗ Thanh Trung - cố vấn Ban giám đốc Phúc Khang Corporation, Luật đất đai rất quan trọng trong hệ thống pháp lý Việt Nam, tác động đến các chủ quản có liên quan từ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tác động đến việc phát triển kinh tế xã hội, bao gồm du lịch.
"Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch lớn nếu hạ tầng như hiện nay sẽ phát triển không cân đối. Cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng du lịch, những dự án bất động sản liên quan đến thương mại dịch vụ du lịch. Bởi nếu có lợi thế mà không có mặt bằng phát triển sẽ khó", ông Trung cho biết.
Ông Trung cho rằng, cần có cơ chế và chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất phát triển du lịch cũng như các điều kiện cần có để đưa đất phát triển du lịch vào nhóm 30 trường hợp được Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Định hướng lên đô thị loại II, bất động sản TP Đồng Xoài tăng nhiệt
16:44, 19/10/2023
Bất động sản miền Trung ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực
09:56, 19/10/2023
Tiền đặt cọc dự án không vượt quá 5% giá trị bất động sản
05:00, 19/10/2023
Loạt thương vụ tỷ đô, bất động sản công nghiệp giữ vững vị thế "sao sáng"
04:00, 19/10/2023
Bất động sản nghỉ dưỡng chờ thời
10:57, 17/10/2023