Quốc hội xem xét thông qua các "luật đinh" của thị trường bất động sản
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS vào cuối kỳ họp này.
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo đất cho du lịch
Để đảm bảo chất lượng các dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này, giữa 2 đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian cuối kỳ họp.
Đảm bảo tính thống nhất của các Luật
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các nội dung có thiết kế 2 phương án, đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của các chính sách về huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhà ở; tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập trong thực tiễn về quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ; cải tạo, xây dựng nhà chung cư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư, kinh doanh; khắc phục tình trạng đầu cơ; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản...
Đặc biệt, cần bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo luật nêu trên với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các luật, dự thảo luật khác có liên quan; hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
>>Nguồn cung lớn, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn đắt khách
Kỳ vọng lớn
Với Luật Đất đai, việc sửa luật đã được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, khi vào tháng 8/2020, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến giữa năm 2022, Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành và là kim chỉ nam định hướng các văn bản pháp luật đẩt đai trong thời gian tới.
Tháng 10/2022, sau kỳ họp thứ 4, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo và lấy ý kiến Nhân dân trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023. Đợt lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Luật Đất đai lần này đã huy động được hơn 12 triệu lượt ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo luật. Đồng thời, để xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 1.000 dự án phải nằm chờ việc điều chỉnh, xem xét, phê duyệt, giá trị các dự án này khoảng 800.000 tỉ đồng (30 tỉ USD).
Trong đó, pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Trong bối cảnh hiện tại, thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, biến đất đai thành công cụ tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản khởi động và tái khởi động các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường lại càng trở nên bức thiết.
Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi phải giải quyết vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, giải quyết bài toán giá đất để hạn chế một cách tối đa lợi ích nhóm. Đồng thời kiểm soát được quyền lực của Nhà nước, hoàn thiện chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của người nông dân, những người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất.
Việc sửa đổi luật phải tháo gỡ được những nút thắt hiện có và phải có tính dự báo, lường trước được những tình huống có thể xảy ra trong tương lai, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cuối 2023 sớm được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo nền tảng, thúc đẩy thị trường hồi phục và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo đất cho du lịch
11:19, 21/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Thiếu cơ chế thu hồi đất cho dự án phát triển du lịch
04:00, 20/10/2023
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
17:34, 19/10/2023
Sửa Luật Đất đai : Tạo đất cho du lịch
16:12, 19/10/2023