Phát huy giá trị từ di sản công nghiệp

DIỆU HOA thực hiện 25/11/2023 10:00

Việc tận dụng các nhà máy cũ nằm trong nội thành Hà Nội để phát triển không gian sáng tạo, không gian văn hóa cộng đồng là hướng đi phù hợp nhằm phát huy giá trị từ di sản công nghiệp.

>>> Tái sinh di sản công nghiệp

Từ sự kiện TP Hà Nội mở cửa cho du khách tham quan, trải nghiệm các di sản công nghiệp như Tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm,… DĐDN đã có những trao đổi cùng TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners xoay quanh câu chuyện phát huy giá trị từ di sản.

- Theo dòng chảy của đô thị hóa, những di sản công nghiệp đang đối diện với những thách thức nào, thưa ông?

Về văn hóa, đối với những đô thị như Hà Nội với hàng nghìn năm lịch sử, TP Hồ Chí Minh hơn 300 năm và các thành phố khác, việc bảo tồn sẽ giúp chúng ta giữ được từng khu vực thể hiện sự phát triển qua từng thời đại, ký ức lịch sử.

Đây cũng là cách giáo dục rất tốt, giúp con em các thế hệ thấy được và trân trọng những giá trị mà cha ông đã làm nên, qua đó nuôi dưỡng niềm tự hào, tạo sự gắn bó cũng như thôi thúc họ dù ở đâu đều muốn đóng góp cho thành phố quê hương và trong tương lai thế hệ trẻ lại tiếp đuốc tiền nhân khai phá những dự án, xây dựng những đô thị mới.

Tuy nhiên, cũng như nhiều thành phố khác ở châu Á đang đối mặt với những thách thức trong việc kết hợp phát triển đô thị thông minh với gìn giữ bản sắc văn hóa, sử dụng, điều chỉnh những giá trị kiến trúc lịch sử đó làm sao cho phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Công tác bảo tồn di sản đến nay vẫn còn xu hướng cực đoan, ứng xử với mọi thể loại di sản như là di tích cần bảo tồn nguyên trạng. Luật Di sản Văn hóa cho đến nay vẫn chỉ mới tập trung chính vào “di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”, vốn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các công trình di sản nói chung tại các địa phương.

Trong khi đó các công trình di sản công nghiệp, những công trình phản ánh những thành tựu vượt bậc, mang tính cách mạng trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại lại vẫn chưa thực sự được chú trọng, hàng trăm công trình công nghiệp trong nội đô cũ, gần như chưa có một khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cũ nào được công nhận là di sản.

 Tháp nước Hàng Đậu vừa được

Tháp nước Hàng Đậu vừa được "biến hoá" thành một không gian văn hoá rất ấn tượng để đón du khách tới tham quan

- Chúng ta cần phải làm gì và làm thế nào để “đánh thức” di sản công nghiệp, thưa ông?

Tại Châu Âu và trên thế giới đã có rất nhiều thành công cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo. Đây cũng được đánh giá là mô hình có tính nhân văn và có ý nghĩa trong sự phát triển bền vững bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ. Và là kinh nghiệm để Việt Nam có thể học hỏi.

Song, để xây dựng, vận hành một khu di sản công nghiệp đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Để giải quyết bài toán về nguồn lực, cần xây dựng quỹ hoặc thực hiện xã hội hóa.

- Cụ thể hơn, ông có góp ý giải pháp nào để hiện thực hóa công tác này?

Trước hết, về mặt pháp lý, tiếp tục kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết cho nhu cầu bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và mở rộng công trình di sản trên cả nước, bao gồm đủ bốn thể loại công trình di sản là: Công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng; Công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản; Công trình di sản có thể được phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương; Công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu, hoặc có thể bổ sung thêm một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này.

Về mặt trách nhiệm bảo vệ di sản, cần quy định lãnh đạo của mỗi tỉnh thành phải chịu trách nhiệm lập ra danh sách đầy đủ các công trình di sản cần được bảo vệ gồm bốn thể loại công trình di sản nói trên, cập nhật thường xuyên tình trạng hiện hữu, và đề ra phương thức bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và phát triển tương ứng với từng loại, có sự phối hợp đồng hành với các cá nhân hoặc đơn vị chủ quản của công trình di sản thông qua các chính sách hướng dẫn và khuyến khích hợp tình hợp lý.

Về mặt hiệu quả kinh tế xã hội, cần có những chính sách ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư, giúp cho người dân và doanh nghiệp địa phương phát triển gắn với không gian di sản, tạo nên bản sắc độc đáo và giá trị bền vững thu hút khách du lịch, giúp cải thiện nâng cao đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 24/11: Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp

    ĐIỂM BÁO NGÀY 24/11: Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp

    03:59, 24/11/2023

  • Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp: Hướng tới đô thị sáng tạo

    Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp: Hướng tới đô thị sáng tạo

    14:49, 23/11/2023

  • Giữ màu xanh trên vùng di sản

    Giữ màu xanh trên vùng di sản

    18:07, 20/11/2023

  • Phát huy không gian di sản ban đêm từ đêm “Di sản hội tụ”

    Phát huy không gian di sản ban đêm từ đêm “Di sản hội tụ”

    12:03, 19/11/2023

  • Đắm chìm trong không gian di sản văn hoá cồng chiêng và cuộc đua thuyền trên sóng nước Sê San

    Đắm chìm trong không gian di sản văn hoá cồng chiêng và cuộc đua thuyền trên sóng nước Sê San

    14:37, 17/11/2023

DIỆU HOA thực hiện