Tăng hạn mức, thời hạn cho vay hộ nghèo có đẩy lùi được tín dụng đen?
Theo các chuyên gia, việc tăng hạn mức và kéo dài thời hạn cho vay đối với hộ nghèo chỉ có thể đẩy lùi được tín dụng đen nếu thủ tục xét duyệt cho vay bớt rườm rà như hiện nay.
Tăng gấp đôi hạn mức, thời hạn cho vay
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó, Tổng giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng tại NHCSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Có thể bạn quan tâm
“Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?
04:40, 25/01/2019
Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê
09:30, 23/01/2019
Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng
17:01, 21/01/2019
Ngành ngân hàng đã xử lý 218 vụ liên quan đến tín dụng đen
06:53, 27/12/2018
Chặn tín dụng đen bằng cách nào?
12:31, 24/12/2018
Người dân bức xúc vì tín dụng đen hoành hành
16:00, 17/10/2018
Có nên hợp pháp hóa tín dụng đen?
11:17, 26/08/2018
Đối với thời hạn cho vay, NHCSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng (thời hạn cho vay hiện nay là 60 tháng), theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng…
Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%/năm; đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm và đối với hộ mới thoát nghèo là 8,25%/năm.
Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình TCTD khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Cần giảm thiểu thủ tục vay vốn
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen sẽ khó đạt nếu thủ tục xét duyệt cho vay vẫn còn rườm rà như hiện nay.
Đơn cử, thủ tục cho vay theo chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo phải trải qua 4 bước, trong đó yêu cầu người vay phải gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn, và phải viết giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau đó Tổ tiết kiệm và vay vốn mới họp để bình xét cho vay. Tiếp đó Tổ lập danh sách các hộ gia đình đề nghị vay vốn trình UBND cấp xã để xin xác nhận các hộ xin vay đúng là những hộ thuộc diện hộ cận nghèo. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn mới gửi hồ sơ lên NHCSXH xem xét, phê duyệt cho vay.
“Thủ tục như vậy chỉ phù hợp đối với người vay muốn vay vốn phục vụ kế hoạch hoặc dự án sản xuất kinh doanh đã ấp ủ từ lâu, chứ không phù hợp với những nhu cầu vốn cấp bách”, một chuyên gia cho biết và nhấn mạnh, ngay cả như vậy, việc phải trải qua ngần ấy thủ tục với không ít thời gian, nhiều khi cơ hội kinh doanh đã vuột mất. Trong khi cuộc sống hàng ngày nhiều khi nảy sinh những nhu cầu vốn cấp bách, chẳng hạn như đóng viện phí cho người nhà đang cấp cứu…, những hộ gia đình này biết trông vào đâu vì không đúng mục đích, trường hợp có được xét duyệt đi chẳng nữa, việc phải trải qua từng đấy thủ tục thì… “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Đó chính là lý do không ít người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen cho dù biết là phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”. “Thủ tục nhanh gọn, hoạt động bất kể ngày đêm… chính là những thế mạnh khiến cho tín dụng đen vẫn phát triển mạnh tại nhiều địa phương”, một chuyên gia nói và cho biết thêm, mặc dù lãi suất tín dụng đen cao ngất ngưởng, thậm chí lên tới mấy trăm phần trăm, tuy nhiên do đa phần các món vay đều không lớn, lại chỉ vay trong một thời gian ngắn nên số lãi phải trả cũng không nhiều. Thậm chí nếu xét cơ hội kinh doanh và lợi nhuận thu được vẫn đủ đáp ứng, nên khi cần vay nóng nhiều người vẫn “gõ cửa” tín dụng đen.
Bởi vậy, muốn “triệt hạ” tín dụng đen, theo vị chuyên gia này, cần phải tấn công trực diện vào những điểm mạnh của chúng, chứ chỉ cạnh tranh bằng lãi suất thôi là chưa ổn. Điều đó cũng có nghĩa, chỉ khi các nhà băng giảm thiểu được thủ tục vay vốn, tăng thời gian hoạt động để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, thì chừng đó mới có thể xóa được tín dụng đen.