Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen
Gần đây tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh trật tự của người dân.
Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức của người dân. Song do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, ở một số địa phương tín dụng đen vẫn hoành hành gây ra nhiều hệ lụy. Khảo sát về thực trạng cho vay tiêu dùng tại 7 tỉnh, thành phố của NHNN vừa qua cho thấy, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.
- Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, NHNN cho biết:
NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Các TCTD đang ngày càng quan tâm đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng nhằm mở rộng cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này tương đối cao, cá biệt TP.HCM có tốc độ tăng gần 50% so với 2017, Thanh Hóa tăng 31,21%, Bắc Giang tăng 24,25% đều cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân thuộc các đối tượng khách hàng khác nhau. Các NHTM hướng tới đối tượng khách hàng có phương án sử dụng vốn cụ thể, cung cấp được chứng từ sử dụng vốn và chứng minh được khả năng trả nợ; tích cực đa dạng hóa sản phẩm tín dụng tiêu dùng phù hợp và cách thức tiếp cận khách hàng thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… các tổ chức công đoàn, bộ phận quản lý nhân sự của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Chi nhánh Agribank tại các địa phương đang triển khai tốt chính sách cho vay theo Nghị định 116 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đối với hộ gia đình, cá nhân hạn mức 200 triệu đồng/hộ cho mục đích sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Agribank cũng triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Luẩn quẩn tín dụng đen: Bài toán khó mà dễ
11:05, 28/02/2019
Tăng hạn mức, thời hạn cho vay hộ nghèo có đẩy lùi được tín dụng đen?
04:40, 27/02/2019
“Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?
04:40, 25/01/2019
Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê
09:30, 23/01/2019
Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng
17:01, 21/01/2019
Ngành ngân hàng đã xử lý 218 vụ liên quan đến tín dụng đen
06:53, 27/12/2018
Chặn tín dụng đen bằng cách nào?
12:31, 24/12/2018
Một kênh chuyển tải vốn quan trọng nữa đó là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) triển khai các chương trình tín dụng phục vụ tiêu dùng như cho vay hộ nghèo, cho vay nhà ở, cho vay học sinh sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Chính quyền cơ sở vào cuộc tích cực, có hình thức phê bình nếu cán bộ không thu được nợ.
Mới đây, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH đã ký ban hành Quyết định nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, thời gian cho vay được tăng lên thành 120 tháng tạo điều kiện rất thuận lợi đối với khách hàng vay vốn có được hạn mức cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lại được kéo dài thời gian trả và có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.
Những cánh tay nối dài của các TCTD là các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng đã triển khai các sản phẩm tín dụng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu khách hàng thu nhập thấp, hình thức cho vay phù hợp như cho vay trả góp, phát hành thẻ tín dụng, cho vay tiền mặt… Đồng thời, mở nhiều điểm giới thiệu dịch vụ tại các siêu thị điện máy, các đại lý xe máy tại khắp các vùng miền, địa phương; tiếp cận khách hàng thông qua tin nhắn… Khoản vay có giá trị nhỏ (tối thiểu từ 2 triệu đồng/món vay), hồ sơ xét duyệt đơn giản (đối với vay trả góp chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu, điện thoại liên lạc, bằng lái xe…), thời gian xét duyệt nhanh chóng (giải ngân ngay trong ngày đến các đơn vị bán hàng tại điểm dịch vụ là các cửa hàng điện máy, siêu thị…).
Đối với cho vay bằng tiền mặt, ngoài các chứng từ trên điều kiện chỉ cần là khách hàng đã từng vay, trả nợ đúng hạn tại CTTC. Các sản phẩm và hình thức cấp tín dụng của các CTTC linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân có thu nhập thấp, đặc biệt phát huy hiệu quả tại các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, cư trú không ổn định.
Các tổ chức tài chính (TCTC) vi mô hoạt động khá hiệu quả. Đơn cử như Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ, Quỹ cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) hoạt động khá hiệu quả như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên 50%, sản phẩm tín dụng đặc thù dành cho các đối tượng phục vụ, trong đó có cả các khoản tín dụng khẩn cấp cho trường hợp ốm đau, ma chay, hiếu hỉ... Thậm chí Quỹ CEP tại TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho hội viên vay vốn để trả nợ tín dụng đen.
Như vậy có thể thấy, hệ thống TCTD có thể đáp ứng được đa dạng đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan, lẫn khách quan nên chưa phải tất cả nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng, dẫn đến tình trạng người dân, DN vay tín dụng từ các tổ chức không chính thống.
Tại Bình Dương, năm 2018 cơ quan chức năng đã ngăn chặn và xử lý 5 vụ lợi dụng uy tín của các NHTM để tiến hành các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Tại Đồng Nai cũng trong năm vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện đã xử lý 10 vụ, 27 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen xác định được khoảng hơn 130 người dân là nạn nhân của các hình thức cho vay nặng lãi.
Thống kê ngành Công an TP.HCM cho thấy, năm 2018 đã phát hiện và xử lý 60 nhóm, hơn 320 đối tượng vi phạm hoạt động tín dụng trái pháp luật tại địa bàn.
Ông có thể nói rõ vì sao vẫn có nhiều người tìm đến tín dụng đen?
Có hai nhóm đối tượng thường tìm đến tín dụng đen. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá... Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống.
Qua khảo sát thực tế, đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn, tuy nhiên lại khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các NHTM do đối tượng khách hàng này có thu nhập thấp, công việc không ổn định, phần lớn công nhân là người lao động từ các địa phương khác di cư đến khu công nghiệp nên khó xác định yếu tố pháp lý. Sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế do NHTM muốn cho vay thì phải có thời gian thẩm định nên không thể xử lý nhanh được.
Thủ tục, hồ sơ và quy trình xét duyệt cho vay tại các NHTM mặc dù đã đơn giản hóa nhưng người dân vẫn ngại không vay. Các NHTM có các sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay theo hạn mức tín dụng, sản phẩm thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng để người dân có thể sử dụng linh hoạt, tuy nhiên do phần lớn người dân chưa quen và ngại tiếp xúc với ngân hàng nên đại đa số người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa chưa sử dụng các sản phẩm này.
Việc cho vay phục vụ đời sống của các NHTM chủ yếu tập trung nhiều cho mục đích nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại trong khi nhu cầu vay tiêu dùng của người dân lại là những món nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng còn phải cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Trên thực tế việc này là rất khó, nhất là với trường hợp khách hàng sử dụng vốn để chăm sóc y tế, sinh hoạt, du lịch, mua sắm tiêu dùng giá trị thấp.
Nhiều người dân mặc dù có nhu cầu vốn và có khả năng trả nợ tuy nhiên vẫn còn tâm lý e ngại khi làm thủ tục vay vốn nên đã tìm đến các đối tượng cung cấp tín dụng đen với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Hơn nữa các đối tượng cung cấp tín dụng đen luôn kịp thời nắm bắt thông tin, thậm chí chủ động tiếp cận người dân khi biết có nhu cầu cần tiền chi tiêu.
Theo ông đâu là giải pháp căn bản để có thể đẩy lùi vấn nạn này? Thời gian tới, ngành Ngân hàng có những chính sách gì để chung tay hạn chế tín dụng đen?
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy hoạt động cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng của các TCTD đã đem lại những lợi ích cần phải được ghi nhận, đã hỗ trợ tích cực cho người dân có điều kiện mua sắm nhà ở, trang trải chi phí tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.
Để việc cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng của các TCTD được thực hiện hiệu quả hơn minh bạch, lành mạnh, thời gian tới NHNN sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để xem xét sửa đổi, bổ sung những văn bản liên quan như Thông tư 39, Thông tư 43 cho phù hợp để người dân có thể tiếp cận vốn hiệu quả trên cả kênh ngân hàng, CTTC. Đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động của CTTC theo hướng kiểm soát được chính xác chi phí vốn, chi phí rủi ro và tỷ lệ lợi nhuận phù hợp, đảm bảo lãi suất cho vay đến người tiêu dùng hợp lý…
Thời gian tới, các TCTD thiết kế có các sản phẩm tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ và xác nhận của chính quyền địa phương (thôn, xã), các tổ chức chính trị xã hội. Đơn cử, đối với chương trình tín dụng 5.000 tỷ đồng của Agribank, tôi đề nghị Agribank rà soát khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh triển khai trên toàn quốc.
Trước mắt đề xuất Thống đốc NHNN cho phép triển khai thí điểm chương trình cho vay tín dụng tiêu dùng cho mục đích hiếu hỷ, ốm đau bệnh tật, đóng học phí … trong chương trình 5.000 tỷ đồng của Agribank tại Gia Lai (địa bàn điểm nóng về tín dụng đen) theo hướng ngân hàng phối hợp UBND xã, phường, các hội đoàn thể để cho vay, lãi suất thỏa thuận đảm bảo bù đắp chi phí.
Đối với NHCSXH, sắp tới NHNN đề xuất Chính phủ sửa đổi Quyết định 28, có thể nâng lên thành Nghị định, trong đó bổ sung đối tượng cho vay, nâng mức cho vay đối với chương trình học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay tiêu dùng đối với các hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo được tiếp tục tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, hạn chế tìm đến nguồn vốn tín dụng đen.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 để đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế người dân tìm đến nguồn vốn tín dụng phi chính thức khác.
Để góp phần hạn chế tín dụng đen, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống các bộ ban ngành, địa phương
Tuy nhiên, để góp phần hạn chế tín dụng đen, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống các bộ ban ngành, địa phương. Do vậy, NHNN kiến nghị, Bộ Công an phối hợp các bộ ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn; tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm liên quan tín dụng đen.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở KH & ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh.
Song song với đó, chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở phối hợp với các TCTD hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như quá trình theo dõi, thu hồi nợ vay nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Đa dạng sản phẩm, đơn giản thủ tục Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm vừa qua chỉ chiếm khoảng 8-9% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng hàng năm hiện nay ước khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Điều này có nghĩa là có khoảng 60-65% người dân có nhu cầu vay mượn để phục vụ tiêu dùng vẫn đang phải tìm nguồn khác ngoài các TCTD. Tuy nhiên không phải toàn bộ số này sẽ phải vay mượn từ các hình thức tín dụng đen mà một số lượng lớn sẽ vay mượn từ các nguồn như người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hoặc thông qua các hình thức tổ chức tương trợ vốn truyền thống như phường, hội, họ… Rào cản lớn nhất mà các TCTD chuyên cho vay tiêu dùng cần phải tháo gỡ hiện nay là đồng bộ hóa quy trình và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, việc đơn giản hóa tối đa thủ tục vay mượn cũng là điểm các đơn vị cần đầu tư để cạnh tranh thị phần và hạn chế các loại hình tín dụng đen. Ông Trần Xuân Dũng, Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Giang: Tăng cường nhiều kênh cho vay linh hoạt Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm, đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ, Vietcombank Bắc Giang rất chú trọng, quan tâm đến công tác phòng ngừa rủi ro, chủ động tuân thủ đúng quy định, quy chế của NHNN về thẩm định và tiếp cận cho vay với khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Như trường hợp các khách hàng trên địa bàn nông thôn có tình hình tài chính tốt nhưng tài sản bảo đảm lại không nằm trong địa bàn có thể đánh giá được nên giá trị định giá thấp, dẫn tới nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn gặp khó khăn do không có tài sản bảo đảm cho khoản vay. Một khó khăn khác là việc xác định tài sản hình thành trên đất thông thường mất 10 - 15 ngày, trong khi nhu cầu khách hàng luôn muốn giải ngân nhanh. Hay việc nhiều khách hàng chưa chứng minh được nguồn thu nhập một cách rõ ràng; có hiện tượng khách hàng vay ké qua những khách hàng đã chứng minh được khả năng tài chính, gây khó khăn trong quá trình thẩm định, dẫn tới rủi ro cho ngân hàng... Một trong những giải pháp quan trọng là cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông các sản phẩm cho vay tiêu dùng, chính sách và lãi suất để khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay; tăng cường nhiều kênh cho vay linh hoạt, rút ngắn thủ tục vay để người dân kịp thời vay được vốn. Với đối tượng khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách cần có cơ chế ưu đãi riêng để họ có thể tiếp cận được vốn, nâng cao đời sống gia đình, ngăn chặn việc tiếp cận tín dụng đen. Ông Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang: Bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm Nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế trong thanh niên trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, thanh niên chỉ được phối hợp với NHCSXH để vay vốn, cần nhất là vốn vay giải quyết việc làm - mà nguồn này gần như không tăng, việc bổ sung tăng cũng rất hạn chế dẫn đến tiếp cận vốn vay để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế trong thanh niên là khó khăn. Để có thể giúp cho thanh niên vay được vốn hiệu quả cần phải bổ sung thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; có cơ chế phù hợp để tăng được mức vay đối với chương trình này. Thêm nữa, thanh niên là công nhân trong các khu công nghiệp cũng là đối tượng cần được quan tâm hơn từ phía các NHTM trong triển khai các dịch vụ, sản phẩm tín dụng. Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế (Thanh Hóa): Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 132 công ty tài chính, trong số đó chỉ có 8 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động cơ bản ổn định. Còn lại 124 công ty dịch vụ tài chính do Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cấp phép hoạt động phát sinh nhiều vấn đề. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các công ty này rất tinh vi, luôn tìm mọi cách đối phó cơ quan chức năng, giấy cho vay tiền không ghi rõ lãi suất; hợp đồng thế chấp bán nhà chứ không phải cầm cố… Do vậy, ngành công an rất khó buộc tội cho vay nặng lãi mà chủ yếu là trấn áp các hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen như gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, phá hoại, cưỡng đoạt tài sản… Bên cạnh đó, hiện chưa có mức xử phạt đối với những trường hợp ngồi lì ở nhà con nợ, uy hiếp để đòi nợ. Thậm chí hành động ném chất bẩn chỉ bị phạt hành chính 2 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, đề nghị NHNN tăng cường quản lý Nhà nước đối với công ty tài chính mà mình cấp phép. Đối với hơn 120 công ty do Bộ KH-ĐT cấp phép cần phải phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động của những công ty này tránh hệ lụy xấu. Đề nghị UBND tỉnh đề xuất lên Bộ Tài chính trình Chính phủ dừng việc cho phép công ty đòi nợ thuê được hoạt động như một ngành nghề kinh doanh. Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (Thanh Hóa): Lý do tìm đến tín dụng đen là vẫn còn nợ ngân hàng Qua nắm bắt của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, các hộ mà đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí cho vay đều được ngân hàng đáp ứng rất tốt. Lý do hội viên nông dân vẫn tìm đến tín dụng đen có thể do các hộ sản xuất kinh doanh bị thua lỗ đang còn nợ ngân hàng nhưng không có tiền để trả. Mà họ vẫn cần vốn nên họ tìm tới tín dụng đen. Đối với các trường hợp này, tôi đề nghị các ngân hàng có giải pháp tháo gỡ khó khăn như khoanh nợ hoặc có thêm điều kiện ràng buộc để các hộ này được tiếp tục vay vốn. Ngoài hộ nông dân, các công nhân của khu công nghiệp chủ yếu là con em nông dân trong tỉnh nếu có nhu cầu vay tiêu dùng thì mong các ngân hàng tạo điều kiện cho vay. Nếu cần chúng tôi xác định nhân thân hoặc con em của các hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để được vay vốn tiêu dùng của Agribank hay NHCSXH thì chúng tôi có thể xác nhận để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, giảm tín dụng đen. Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk): Chính quyền địa phương sẵn sàng phối hợp Theo tôi, thời gian tới, các TCTD cần mở rộng đối tượng cho vay, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng. Nhất là các sản phẩm linh hoạt, tín chấp để phục vụ người dân ở phân khúc thấp, dưới chuẩn. Bà Loan cho rằng, đối với các sản phẩm tín chấp, nếu cần thì chính quyền địa phương sẵn sàng phối hợp với ngân hàng, cùng các hội đoàn thể để hỗ trợ thành lập các tổ vay vốn, giải quyết các thủ tục cho người dân. |