Thanh khoản ngân hàng lại căng vì đâu?
Thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trong 2 tuần cuối tháng 8 mà nguyên nhân có thể do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.
Thanh khoản căng trở lại
Trái với tình trạng dư thừa trong tháng 7, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu căng hơn khi bước vào tháng 8, buộc NHNN phải thường xuyên bơm thêm thanh khoản vào hệ thống.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong nửa đầu tháng 8 NHNN đã bơm ròng 16.020 tỷ đồng vào thị trường sau khi hút ròng 35 nghìn tỷ trong tháng 7. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng thời gian này vẫn tăng 12 điểm cơ bản lên mức 2,77%/năm với kỳ hạn qua đêm và tăng nhẹ 3 điểm cơ bản lên mức 2,82%/năm với kỳ hạn 1 tuần…
Trong khi Công ty Chứng khoán KB cho biết, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong tuần giao dịch 26/8 – 30/8 có dấu hiệu căng thẳng khi lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn đều tăng mạnh và NHNN đã sử dụng nghiệp vụ mua kỳ hạn nhằm hỗ trợ thanh khoản tạm thời. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đóng cửa tuần ở mức 4,0%, tăng 1,114% so với tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 3,98%, tăng 1,103%; 2 tuần là 4,02%, tăng 1,006%.
Trên hoạt động thị trường mở, NHNN không chào thầu tín phiếu và có 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, đồng nghĩa với việc NHNN bơm ra 18.000 tỷ đồng, đưa lượng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường về mức 0. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên hoạt động mua kỳ hạn được cơ quan quản lý sử dụng liên tục trong tuần.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro thanh khoản ngân hàng
15:12, 25/08/2019
Thanh khoản ngân hàng đã bớt căng?
05:01, 10/07/2019
“Bắt mạch” thanh khoản ngân hàng
05:01, 22/01/2019
Vì sao thanh khoản ngân hàng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào?
06:10, 30/01/2018
Tính chung, NHNN chào thầu 26.000 tỷ đồng trong cả tuần, các TCTD hấp thụ được 13.134 tỷ đồng. Có nghĩa, thông qua hai kênh này NHNN đã bơm ròng tổng cộng 31.134 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua. “Việc cân đối vốn trong hệ thống tuần qua bị thiếu hụt chỉ mang tính tạm thời khi giai đoạn cuối tháng nhu cầu vốn thường tăng cao”, KB nhận định.
Cũng có chung nhận định thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng, song theo Công ty Chứng khoán BVSC, nguyên nhân có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2/9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống NHTM trong thời gian tới. Bởi ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nên nguồn tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại các NHTM có thể sẽ giảm trong những tháng tới.
Hệ lụy từ vòng luẩn quẩn
Đây không phải là lần đầu tiên thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó vì tiền gửi của Kho bạc thay đổi. Còn nhớ hồi giữa tháng 4, thanh khoản của hệ thống đột ngột căng thẳng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao do Kho bạc Nhà nước rút tiền gửi tại các NHTM về NHNN. Tuy nhiên, đến tuần cuối tháng 4, lãi suất liên ngân hàng đảo chiều giảm nhanh trở lại khi Kho bạc Nhà nước lại chuyển tiền gửi từ NHNN về lại các NHTM, giúp thanh khoản của hệ thống dư thừa lớn.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, tính đến cuối năm 2018 lượng vốn của Kho bạc Nhà nước gửi tại các NHTM đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng. Chắc chắn số dư tiền gửi của Kho bạc tại các NHTM tại thời điểm hiện nay còn lớn hơn nhiều khi mà giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách đang rất chậm, hiện mới đạt 53% kế hoạch năm.
Theo một chuyên gia ngân hàng, không thể phủ nhận số tiền khổng lồ của Kho bạc Nhà nước đã mang lại không ít lợi ích cho các NHTM có nguồn tiền này. Do đây là nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp nên các ngân hàng này giảm được chi phí vốn đầu vào, từ đó cải thiện lợi nhuận.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động của các nhà băng đang phụ thuộc vào nguồn vốn này. Đặc biệt, mỗi khi Kho bạc Nhà nước rút tiền từ các NHTM chuyển về NHNN cũng gây nhiều khó khăn về thanh khoản cho các ngân hàng.
Về mặt vĩ mô, vòng luẩn quẩn “Kho bạc phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các ngân hàng, rồi lại gửi vào ngân hàng” cũng gây ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, điều này khiến ngân sách bị thiệt hại khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ tới 3- 6%/năm tùy từng kỳ hạn, song lãi suất mà các nhà băng trả cho nguồn tiền gửi của Kho bạc chỉ là lãi suất không kỳ hạn vào khoảng 1-2%/năm. Thứ hai, tiền gửi Kho bạc quá lớn cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
“Bất cập này đã tồn tại từ khá lâu mà nguyên nhân chủ yếu cũng do những ách tắc trong khâu giải ngân vốn đầu tư công”, vị chuyên gia trên cho biết và nhấn mạnh, để xử lý bất cập này, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như siết chặt kỷ luật ngân sách.