Thanh khoản ngân hàng đã bớt căng?

Hà Anh 10/07/2019 05:01

Nếu như tuần cuối tháng 6/2019, NHNN phải bơm ròng gần 47.000 tỷ đồng, thì đến tuần đầu tháng 7, cơ quan này đã hút ròng 14.000 tỷ đồng.

fa

Sau khi lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần cùng tăng mạnh lên mức 3,7%/năm, đã nhanh chóng hạ nhiệt vào tuần cuối tháng 6/2019.

Thanh khoản ổn định trở lại

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã bớt căng hơn trong tuần đầu tháng 7 (từ 1/7 đến 5/7), khi lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại. Cụ thể, trong tuần lãi suất VND liên ngân hàng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn chủ chốt so với cuối tuần trước đó (giảm 0,5 - 0,7 điểm phần trăm tùy kỳ hạn).

Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng giảm ngay cả khi NHNN hút ròng nhẹ tiền về. Theo đó, trong tuần, NHNN chào thầu 35.000 tỷ đồng tín phiếu, tăng nhẹ 2.000 tỷ đồng so với tuần trước đó; kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất 3%/năm. Kết quả, các TCTD hấp thụ toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong khi có 32.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Có nghĩa NHNN đã hút ròng hơn 2.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Hiện khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 35.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bắt mạch” thanh khoản ngân hàng

    “Bắt mạch” thanh khoản ngân hàng

    05:01, 22/01/2019

  • Vì sao thanh khoản ngân hàng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào?

    Vì sao thanh khoản ngân hàng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào?

    06:10, 30/01/2018

  • Yếu tố nào tác động mạnh đến tỷ giá cuối năm 2019?

    Yếu tố nào tác động mạnh đến tỷ giá cuối năm 2019?

    04:30, 06/07/2019

  • Áp lực tỷ giá chưa vơi bớt

    Áp lực tỷ giá chưa vơi bớt

    05:01, 29/06/2019

  • Lãi suất huy động chịu sức ép mới

    Lãi suất huy động chịu sức ép mới

    05:01, 09/07/2019

  • Năm 2019, lãi suất cho vay khó giảm

    Năm 2019, lãi suất cho vay khó giảm

    14:41, 26/06/2019

Trên kênh cầm cố không phát sinh giao dịch, mặc dù NHNN vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm. Trong khi trong tuần có 12.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, đưa khối lượng lưu hành về mức 0. Có nghĩa, NHNN hút thêm 12.000 tỷ đồng về qua kênh cầm cố. Tổng hợp cả 2 kênh, NHNN đã hút ròng nhẹ 14.000 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua.

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với tuần cuối tháng 6 (từ 24/6 đến 28/6) khi mà NHNN đã phải bơm ra gần 47.000 tỷ đồng vào thị trường để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, thậm chí có phiên NHNN đã bơm “đột biến” tới 12.000 tỷ đồng, thay vì chỉ chào đều đăn 1.000 tỷ đồng/phiên như thời gian trước. Nhờ đó, sau khi lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần cùng tăng mạnh lên mức 3,7%/năm, đã nhanh chóng hạ nhiệt về cuối tuần.

Theo một chuyên gia ngân hàng, thanh khoản của hệ thống căng thẳng đột ngột trong tuần cuối tháng 6 một phần do tín dụng đã tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian này. “Theo NHNN Việt Nam, nếu như đến ngày 10/6 tín dụng mới tăng 5,75% thì đến cuối tháng tín dụng đã tăng 7,33%. Có nghĩa tín dụng đã tăng thêm tới 1,58 điểm phần trăm chỉ trong vòng 20 ngày, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng bình quân hàng tháng của mấy tháng trước đó”, vị chuyên gia trên cho biết.

Bên cạnh đó, việc NHNN liên tục hút tiền về cũng khiến thanh khoản của hệ thống bớt dồi dào hơn so với thời gian trước. Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoản Bảo Việt cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã hút ròng tổng cộng 77.507 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, nhờ động thái bơm tiền kịp thời để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt trở lại vào cuối tuần của cuối tháng 6, và diễn biến đó được nối tiếp sang tuần đầu tháng 7”, vị chuyên gia trên cho biết.

Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng

Theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù thị trường thế giới những tháng đầu năm biến động phức tạp, nhưng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn phù hợp, theo sát diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu đã đề ra là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Ông Thành cũng tin tưởng NHNN sẽ tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ như hiện tại. Chỉ có điều do tính bất ổn địa chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nên ông Thành khuyến nghị, việc điều hành chính sách tiền tệ cần bám sát diễn biến thị trường, tăng sự chủ động kết hợp với sự linh hoạt trong sử dụng các công cụ tiền tệ.

Phân tích cụ thể hơn, Công ty chứng khoán KB cho biết, trong các tháng còn lại của năm 2019, áp lực tỷ giá sẽ không còn nhiều trong kịch bản cơ sở, trong khi đó lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng lạm phát lõi có xu hướng tăng nhanh. Do đó, NHNN nhiều khả năng vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng như hiện nay với tăng trưởng M2 sẽ tăng nhẹ so với năm 2018 trong khi tín dụng duy trì tương đương năm ngoái. “Tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 lần lượt đạt 13% và 14%”, KB dự báo.

Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán MB dự báo, NHNN sẽ định hướng điều hành chính sách tiền tệ thận trọng trong 2019. Theo đó, lãi suất điều hành dự kiến tăng 0,25%; Tín dụng dự kiến tăng trưởng 14%; M2 dự kiến tăng 14%; Lạm phát mục tiêu 4%; Tỷ giá dự kiến biến động nhẹ dưới 3%. “Tín dụng sẽ giảm nhẹ và lãi suất sẽ tăng nhẹ do chính sách điều hành thận trọng của NHNN, song không đáng quan ngại”, MBS nhận định.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh khoản ngân hàng đã bớt căng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO