Tín dụng - Ngân hàng

Gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng

Diễm Ngọc 09/04/2025 04:37

Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định lãi suất điều hành và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản là một trong những giải pháp then chốt nhằm tháo gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng trở nên quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính - tiền tệ, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề khơi thông dòng tiền và tái định hướng đầu tư đang trở thành một yêu cầu cấp thiết cho tăng trưởng kinh tế
NHNN khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức tín dụng, sẵn sàng triển khai các giải pháp bơm thanh khoản kịp thời và giữ ổn định lãi suất điều hành

Tại Hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mới đây, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết việc Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đã gây áp lực lớn lên công tác điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh đó, NHNN phải cân đối hài hòa giữa ổn định tỷ giá và điều hành lãi suất.

Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức tín dụng (TCTD), sẵn sàng triển khai các giải pháp bơm thanh khoản kịp thời và giữ ổn định lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Vụ Chính sách Tiền tệ cũng đề nghị các TCTD tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp theo chỉ đạo của NHNN nhằm giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo số liệu cập nhật từ NHNN, tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 25/3 đã tăng 2,5% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,26%. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố cũng cho thấy, tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Như vậy, việc duy trì ổn định lãi suất điều hành và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản là một trong những giải pháp then chốt nhằm tháo gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng.

Các chuyên gia nhận định việc NHNN giữ ổn định mặt bằng lãi suất điều hành trong khi linh hoạt bơm hút tiền qua các kênh thị trường mở, tín phiếu, tái cấp vốn, là một cách ứng xử chính sách tiền tệ vừa thận trọng, vừa chủ động. Điều này giúp tạo niềm tin cho thị trường và hỗ trợ thanh khoản kịp thời, tránh những cú sốc ngắn hạn.

Có thể thấy trong tuần từ ngày 31/3 đến ngày 7/4, NHNN tiếp tục bơm ròng 14.238 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá có xu hướng tăng, tạo áp lực lên nền kinh tế. NHNN đã kích hoạt kênh mua kỳ hạn với khối lượng phát hành mới ở các kỳ hạn như: 7 ngày là 11.858 tỷ đồng, 8 ngày là 19.721 tỷ đồng, 14 ngày đạt 31.684 tỷ đồng và 35 ngày là 939 tỷ đồng.

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã thanh toán gần 50.000 tỷ đồng cho các hợp đồng đáo hạn, NHNN vẫn tiếp tục bơm thêm tiền để duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ. Động thái này giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo nguồn vốn hoạt động trong thời điểm cao điểm thanh toán.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng tại BIDV cũng khuyến cáo, lạm phát vẫn là yếu tố đáng lo nhất bởi khi lượng tiền bơm vào nền kinh tế nhiều, vòng quay tiền nhanh hơn thì lạm phát sẽ tăng lên. Ở bên ngoài, nhập khẩu lạm phát cũng có thể xảy ra khi biến động thế giới rất lớn, chiến tranh thương mại có nguy cơ lan rộng.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để lạm phát vượt 5%, kể cả sắp tới tăng trưởng hai con số cũng không để lạm phát tăng trưởng quá 5% nếu không sẽ dẫn đến bất ổn về vĩ mô”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%), tiệm cận mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đã đề ra. Do đó, dư địa giảm lãi suất điều hành không còn quá lớn và NHNN có thể sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng các biện pháp kỹ thuật như nghiệp vụ thị trường mở hoặc điều tiết cơ cấu tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất định, việc NHNN cam kết đồng hành cùng các TCTD và chủ động các giải pháp điều tiết thanh khoản, ổn định lãi suất điều hành là bước đi cần thiết và đúng hướng. Sự linh hoạt trong công cụ điều hành, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, cùng với sự đồng thuận từ hệ thống ngân hàng sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO