Tín dụng - Ngân hàng

Thấy gì từ tăng trưởng tín dụng cao ở lĩnh vực du lịch?

Lê Mỹ 02/04/2025 16:42

Sự khởi sắc của ngành du lịch Việt 2 tháng đầu năm 2025 mang đến cơ hội cho nhu cầu tiếp cận và hấp thu tín dụng từ các chủ thể trong lĩnh vực này.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực dịch vụ du lịch (lưu trú và ăn uống) tại TP Hồ Chí Minh đạt gần 57 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và có mức tăng trưởng cao, lên tới 10%.

Vikki Digital Bank đã phát hành hơn 50.000 thẻ cho người dân trong giai đoạn đồng hành cùng Metro, thẻ VikkiGO được sử dụng như vé điện tử khi di chuyển tại Metro tuyến số 1 TP. HCM
Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực du lịch đạt 10%, ghi nhận sự tích cực của dòng vốn vào lĩnh vực này. Các yếu tố thúc đẩy du lịch gồm cả chính sách chung, sự cải thiện hạ tầng, ví dụ vận hành tuyến Metro, cũng có ý nghĩa kích hoạt nhu cầu vốn thụ vốn của doanh nghiệp. Ảnh: Thẻ VikkiGO được sử dụng như vé điện tử khi di chuyển tại Metro tuyến số 1 TP. HCM - Vikki Digital Bank.

Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, song hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực này có ý nghĩa hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, ông Lệnh nhận định. Phó Giám đốc NHNN trên địa bàn phân tích hiệu quả đem lại từ kết quả này thấy được như sau:

Thứ nhất, tín dụng đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng trưởng trở lại, sau khi các hoạt động du lịch dịch vụ phục hồi sau dịch và luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn trong 02 năm trở lại đây. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, tín dụng đối với lĩnh vực này tăng trưởng 10%, trong khi đó, tín dụng chung trên địa bàn giảm 0,17% .

Thứ hai, hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tăng trưởng tốt trong 2 năm gần đây và tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay, với nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ, các hoạt động ấn tượng được tổ chức để chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của Thành phố thu hút khách tham quan, du lịch ngày càng tăng. Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này. Trong đó, doanh thu các hoạt động du lịch tăng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo dòng tiền tốt, yếu tố góp phần mở rộng tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn.

Thứ ba, cơ chế chính sách tiền tệ thuận lợi: lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và hệ thống cung cấp dịch vụ ngân hàng: thanh toán; thu đổi ngoại tệ… rất tiện ích, tiện lợi cũng là động lực góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tăng trưởng. Trong quá trình này, tăng trưởng lĩnh vực du lịch dịch vụ có tác động tích cực trở lại đối với sự phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng và mở rộng tăng trưởng tín dụng.

"Đây là các yếu tố thuộc môi trường kinh tế xã hội. Trong đó. sự tăng trưởng và phát triển của hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn, là yếu tố quan trọng đối với hoạt động tín dụng lĩnh vực này. Đồng thời, sự phối hợp của ngành ngân hàng với sở du lịch và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục được phát huy và duy trì với các hoạt động thông tin, báo cáo, xử lý và tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp (ngay sau khi hết dịch) cũng góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng trưởng, phát triển", ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.

Cập nhật về kết quả ngành du lịch trên địa bàn TP HCM nói riêng trong tháng 3 và quý I/ 2025. Ủy ban Nhân dân TP HCM cho biết: Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách. Tổng doanh thu du lịch tăng 26,7%; khách quốc tế ước đạt 1,63 triệu lượt, tăng 18,2%.

Trong đó, khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 19%; khối lượng vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên ước đạt 5,3 triệu lượt hành khách, đạt 38% so với kế hoạch năm 2025 (14,2 triệu lượt hành khách).

Có thể nói, du lịch đã và đang là ngành "công nghiệp không khói" phản ánh rõ dấu ấn phục hồi của một vùng kinh tế mà thương mại, dịch vụ được xác định là mũi nhọn, cần được nâng tỷ trọng theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ du lịch (tiêu dùng, ăn uống, mua sắm, di chuyển...), kỳ vọng sẽ kéo theo các hoạt động tiêu dùng đang rất cần được kích cầu để thay đổi xu hướng chững lại vì tâm lý "thắt lưng buộc bụng", quan ngại ảnh hưởng thu nhập từ các tác động khách quan của người dân, sau 2 tháng mùa vụ Lễ Tết.

Ở góc độ doanh nghiệp, mặc dù đặt kỳ vọng cao sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu chung, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng để góp phần thực hiện tăng trưởng 2 con số của TP HCM với: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 12%; khách du lịch quốc tế đến Thành phố đạt từ 8,5 – 10 triệu lượt khách; nhưng không ít doanh nghiệp vẫn cho biết, cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ gồm tín dụng và phi tín dụng.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Cty Du lịch Vietravel, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước cần có sự giám sát hiệu quả thông qua các chỉ số đánh giá cụ thể (KPI). Ông cũng nhấn mạnh vai trò cần thiết của mô hình hợp tác công tư (PPP), với việc việc nhà nước và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ giúp tận dụng tốt hơn các nguồn lực xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh mô hình PPP sẽ giúp tăng cường đầu tư vào hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho ngành.

Với một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch quy mô nhỏ hơn, thực tế, việc tiếp cận tín dụng vẫn có không ít rào cản bao gồm thiếu tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, khó vay vốn kỳ hạn dài để đầu tư với lãi suất phù hợp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ tăng trưởng tín dụng cao ở lĩnh vực du lịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO