Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Quyết định thành lập và ra mắt NHNN Khu vực 12 gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, NHNN đã nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách và quán triệt tinh thần khẩn trương, nỗ lực thực hiện quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao nhất trên toàn hệ thống. Chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 03 tháng, Ban Lãnh đạo, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn hệ thống NHNN đã đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo đúng tiến độ và lộ trình đề ra.
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của NHNN, tính chất đặc thù trong hoạt động, đối tượng quản lý lớn, phức tạp (các TCTD, quỹ tín dụng nhân dân), do đó để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện chức năng NHTW của NHNN đối với nền kinh tế tại các tỉnh, thành phố, NHNN đã hoàn thành việc tổ chức lại 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN Khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng. Trong đó, NHNN Khu vực 12 được thành lập trên cơ sở hợp nhất NHNN chi nhánh các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Trụ sở NHNN khu vực đặt tại Đồng Nai.
Ngày 24/02/2025 Thống đốc NHNN đã ký các quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 12, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2025, cụ thể: Bổ nhiệm ông Tạ Thành Long giữ chức vụ Giám đốc NHNN khu vực 12; các Phó Giám đốc NHNN khu vực 12 bao gồm: ông Trần Thiên Trí, bà Lâm Thị Hồng Ngọc, ông Võ Đình Phong, ông Phạm Quốc Bảo và ông Nguyễn Đình Thanh.
Trên địa bàn NHNN Khu vực 12 có 227 Chi nhánh ngân hàng cấp 1 (của 47 ngân hàng); 790 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch trực thuộc; 73 Quỹ tín dụng nhân dân, 08 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEP, 02 Chi nhánh và 06 văn phòng đại diện công ty tài chính.
Về nhân sự, NHNN Khu vực 12 có 197 người; Lãnh đạo, quản lý: 25 người (gồm: Giám đốc; 05 Phó Giám đốc; 04 Trưởng phòng, 03 Quyền Trưởng phòng; 12 Phó Trưởng phòng).
Cơ cấu tổ chức của NHNN khu vực sau sắp xếp gồm 7 phòng: Phòng Tổng hợp; Thanh tra NHNN Khu vực; Phòng Quản lý, giám sát ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác (gọi tắt là Phòng Quản lý, giám sát 1); Phòng Quản lý, giám sát quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô (gọi tắt là Phòng Quản lý, giám sát 2); Phòng Kế toán - Thanh toán; Phòng Tiền tệ - Kho quỹ; Phòng Hành chính - Nhân sự.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của NHNN, trong đó có 15 NHNN khu vực là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban Chỉ đạo của NHNN, thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các công việc có liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 12
Năm 2025, thực hiện quyết liệt và bám sát các giải pháp, nhiệm vụ tại Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, NHNN đã khẩn trương cụ thể hóa thành các mục tiêu, giải pháp cho toàn hệ thống về tiền tệ, tín dụng, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh tra, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán....
Đối với công tác tín dụng, ngay từ ngày 30/12/2024, NHNN đã có Văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN đã ban hành 10 Văn bản chỉ đạo và 01 Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành tín dụng, lãi suất. Ngày 26/02/2026, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 19/CĐ-TTg, NHNN đã tổ chức ngay buổi làm việc với các NHTM về việc thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời tiếp tục có Văn bản số 1328/NHNN-CSTT ngày 25/02/2025 để chỉ đạo các TCTD về việc ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 15.926.877 tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 (tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024; cùng kỳ năm 2024 giảm 0,2%).
Ngân hàng Nhà nước cho biết Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm. Ngoài ra, nhiều dự án lớn trong khu vực cũng tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển kinh tế như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,... Đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng quy mô dư nợ tín dụng trong thời gian tới.
Xác định vốn tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ đầu tư, SXKD của xã hội góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng; thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho SXKD của người dân, doanh nghiệp tại Khu vực và đã đạt kết quả khá tích cực: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 03/2025 ước đạt hơn 1.189.327 tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm, trong đó Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu ghi nhận tăng trưởng khá, các tỉnh còn lại có giảm nhẹ so với đầu năm. Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định, gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục giải ngân tốt, gói tín dụng ưu đãi 145 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội sau thời gian triển khai quyết liệt cũng đã bắt đầu phát sinh dư nợ cho vay. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần thúc đẩy phục hồi và đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế địa phương.
Trong năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn khu vực đã chủ động tổ chức cũng như tham gia 21 hội nghị, buổi làm việc chính thức với khách hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 5 tỉnh. Kết quả, đã giải ngân cho 1.059 khách hàng, dư nợ cho vay từ chương trình đến thời điểm 31/12/2024[1] đạt 57.273 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,86% dư nợ tín dụng cuối năm 2024 của khu vực.
Hệ thống Ngân hàng chính sách trên địa bàn khu vực hiện đang thực hiện cấp tín dụng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách theo 21 chương trình tín dụng. Tại thời điểm 28/2/2025, dư nợ cho vay tại hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội tại khu vực đạt 25.470 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung chính như: Kết quả hoạt động tín dụng chung trên cả nước và tín dụng trên địa bàn khu vực 12 những tháng đầu năm 2025, trong đó có tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, một số chương trình tín dụng; chính sách lãi suất cho vay; khả năng mở rộng tín dụng có hiệu quả trong năm 2025 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; các khó khăn, vướng mắc; định hướng về hoạt động tín dụng trong thời gian tới...
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước tối thiểu 8% và 5 tỉnh của Khu vực từ 8%-10%; NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước 16% (tức là tăng 2,5 triệu tỷ đồng). Với mức tăng trưởng chung này thì Khu vực 12 cần tăng thêm quy mô tín dụng khoảng 189 nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các địa phương. Ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng khu vực 12 nói riêng quán triệt tinh thần tiên phong, đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 16% để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế; Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh các giải pháp trên, ngành Ngân hàng cần sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, các Hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn Khu vực 12 để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp của Khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra.