Chuyên đề

Vì sao NHNN muốn sửa lộ trình áp dụng 1 số quy định về trung tâm tài chính?

Lê Mỹ 23/02/2025 03:53

Một số đề xuất tại Dự thảo mới nhất (Dự thảo 12) Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, chưa phù hợp về lộ trình.

Tại Dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại Trung tâm tài chính.

Trong đó, nhiều đề xuất đáng chú ý như: Đề xuất các thành viên trung tâm tài chính do nhà đầu tư nước ngoài thành lập sau 5 năm hoạt động được tự do chuyển các khoản đầu tư, khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không phải chứng minh mục đích chuyển tiền.

10 tỷ USD kiều hối là kết quả ấn tượng khi đặt trong mối liên hệ với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và so sánh tỷ trọng với GRDP của Thành phố năm 2024. Ảnh minh họa
Đại diện NHNN cho rằng việc Dự thảo nghị quyết quy định không áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại Trung tâm tài chính cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam. Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có trụ sở tại trung tâm tài chính không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính hoặc dịch vụ xuyên biên giới.

Lộ trình áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế về ngân hàng (Basel III) bắt đầu triển khai tại trung tâm tài chính từ 1/1/2026. Việc hình thành mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại cũng được bắt đầu triển khai từ 1/1/2026.

Theo đề xuất, mọi quy định liên quan chính sách hoạt động ngân hàng và quản lý ngoại hối tại trung tâm tài chính do Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.

Các đề xuất như nêu hướng đến tự do giao dịch lưu chuyển vốn tối đa, hay nói cách khác là dỡ bỏ mọi rào cản hạn chế tự do giao dịch vốn và tăng hàm lượng "số hóa" cao độ từ cấu phần quan trọng là tiền tệ với các TCTD.

Đối với cơ chế quản lý trên thị trường tài chính - tiền tệ với đặc thù của Việt Nam, như DĐDN từng có bài viết phân tích, thực tế nước ta vẫn đã và đang triển khai cơ chế mở, tự do giao dịch vốn nhưng có kiểm soát. Theo nhiều chuyên gia đây được xem là cơ chế cần thiết có sự thận trọng, linh hoạt để đảm bảo sức hút dòng vốn nhưng trên hết là đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia - yếu tố được đặt lên hàng như Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định trong lễ công bố về Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng diễn ra vào 4/1/2025.

Với các đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như nêu trong Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những quan điểm cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Theo NHNN, việc Dự thảo nghị quyết quy định không áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại trung tâm tài chính cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.

Cơ quan quản lý tiền tệ - ngoại hối cũng cho rằng về lộ trình áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về ngân hàng tại trung tâm tài chính cần phù hợp với lộ trình đang được xây dựng áp dụng cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong nước, theo đề xuất quy định lộ trình triển khai từ 1/1/2026 như tại Dự thảo nghị quyết là không có cơ sở.

Trường hợp cần áp dụng ngay, đề nghị quy định rõ lộ trình áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế về ngân hàng (Basel III) cho các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu triển khai tại trung tâm tài chính từ 1/1/2026 và đây được coi là điều kiện khi gia nhập trung tâm tài chính (điều kiện cấp phép thành lập).

Do đó, có thể nghiên cứu giao thẩm quyền quy định về lộ trình cho Chính phủ, NHNN hướng dẫn cụ thể tại nghị định, thông tư để linh hoạt.

Tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 22/2, NHNN cũng đề nghị đối với đề xuất hình thành ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại là thành viên trung tâm tài chính bắt đầu từ 1/1/2026 như Dự thảo nghị quyết, cần được sửa từ thực hiện từ ngày 1/1/2027.

Liên quan đến ý kiến góp ý của NHNN, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ kiến nghị vẫn giữ nội dung như Dự thảo do đã xác định trung tâm tài chính là khu vực có đối tượng điều chỉnh khác biệt so với các chính sách chung của quốc gia. Với góp ý tiếp theo của NHNN, Bộ cũng kiến nghị giữ lại với lý do đảm bảo áp dụng đồng bộ các chính sách để phát triển trung tâm tài chính.

Tien ma hoa
Đối với chính sách về tài sản mã hoá, theo đại diện NHNN, dù Dự thảo nghị quyết có những quy định vượt trội so quy định hiện hành nhưng các khái niệm được sử dụng trong dự thảo phải thống nhất với hệ thống pháp luật. Ảnh minh họa

Đối với đề xuất các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026 theo Dự thảo, trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có góp ý hồ sơ với quan điểm không đồng tình đề xuất này.

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính.

Để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.

Tại phiên họp do Bộ Tư pháp chủ trì, ý kiến của đại diện Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính nhất trí phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, phí cho Trung tâm tài chính; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với việc quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, nên quy định theo hướng Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế; các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể.

Liên quan đến nội dung chính sách về tài sản mã hoá, theo ý kiến đại diện NHNN, dù dự thảo Nghị quyết có những quy định vượt trội so quy định hiện hành nhưng các khái niệm được sử dụng trong dự thảo phải thống nhất với hệ thống pháp luật. Đại diện NHNN đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khái niệm về tài sản mã hoá trong dự thảo Nghị quyết với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chia sẻ với DĐDN, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, xu hướng tự do giao dịch vốn và áp dụng công nghệ số, triển khai chính sách về tài sản mã hóa là câu chuyện không thể thiếu của Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện đặt tại TP HCM. Bởi đây sẽ là một số trong những "vũ khí" cạnh tranh hút vốn nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam với tư cách một Trung tâm tài chính có sự vượt trội về chính sách, hướng về đổi mới, dù chúng ta là Trung tâm tài chính "sinh sau" so với một số Trung tâm tài chính quốc tế lớn. Tuy nhiên ông cũng cho rằng các nhà quản lý chắc chắn sẽ phải xem xét và soạn thảo, thiết kế chính sách sao cho để đảm bảo vừa cho thấy tính riêng biệt, ưu đãi của khu vực Trung tâm so với phần còn lại, lại vừa không chồng chéo, bất nhất hay gây tác động khó kiểm soát với chính sách, hệ thống pháp luật chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao NHNN muốn sửa lộ trình áp dụng 1 số quy định về trung tâm tài chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO