Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế TP HCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng được định hướng phải khác biệt với 21 TTTC đã có trên toàn cầu...
Tuy nhiên, điểm chung về dòng vốn lưu chuyển tự do, sẽ là “chìa khóa” hấp dẫn các dòng vốn đổ vào.
Do đó, cần xây dựng cơ chế phù hợp để các TTTC này phát huy được thế mạnh như kỳ vọng.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ tại các TTTC mới nổi là nhiệm vụ khó, phức tạp do có nhiều sự cạnh tranh từ các TTTC đã phát triển.
Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. “Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia. Do đó, cần có sự phối hợp chính sách chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trong toàn bộ quá trình phân tích, lập và thực thi chính sách”, Thống đốc khẳng định.
Có thể thấy, ưu tiên bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia đang được đặt lên đầu, và điều này theo đánh giá của các chuyên gia là hết sức cần thiết. Đối với Việt Nam có nền kinh tế độ mở rất rộng, cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, đồng nội tệ được neo với rổ các đồng tiền chủ chốt, nhưng bộ đệm hệ thống, quỹ dự trữ còn mỏng… thì ưu tiên này đối chiếu cùng các bài học của các nền kinh tế trong khu vực, cụ thể như Thái Lan với đợt khủng hoảng kinh tế 1997, cho thấy chúng ta càng phải thận trọng trong xây dựng, vận hành cơ chế tự do lưu chuyển vốn.
Nói như vậy không có nghĩa Việt Nam không hội nhập mở cửa thị trường vốn. Ngược lại, chúng ta đã hội nhập, mở cửa thị trường tài chính, áp dụng cơ chế tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa dòng vốn trong nhiều năm qua và đã gặt hái được những thành công, khẳng định bản lĩnh điều hành của cơ quan quản lý, cũng như góp phần thu hút các dòng vốn để đóng góp tăng trưởng kinh tế.
Để TTTC vừa khác biệt với so với những TTTC quốc tế hiện hữu như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), vừa rộng cửa chào đón mọi dòng vốn đầu tư khắp thế giới, việc xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt trên nền tảng hoạch định của TTTC này, theo TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, cần chú trọng sự vượt trội. Chẳng hạn, ông Lịch kiến nghị trong chính sách tiền tệ, khuyến khích các TCTD trong nước và nước ngoài có uy tín và có năng lực thành lập chi nhánh riêng tại TTTC quốc tế cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các TTTC khác.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết sẽ có một loạt cơ chế chính sách vượt trội nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành môi trường sống văn minh…, được thử nghiệm tại Nghị quyết Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới.
Trước đó, Bộ KHĐT đã đề xuất cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Fintech, đi kèm với phân cấp quyền quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro trong hoạt động Fintech cho cơ quan quản lý, điều hành TTTC, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hoá, tiền mã hóa.
TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế chia sẻ với DĐDN, cần xác định ứng dụng công nghệ là nền tảng toàn diện của TTTC. Fintech và các hoạt động tiền mã hóa là một phần không thể thiếu, đặc biệt là đặt trong xu thế tương lai, song nhấn mạnh, đây chỉ là một phần của TTTC.
Do đó, trong trọng tâm để xây cơ chế đặc thù - nền tảng “mềm” bên cạnh nền tảng “cứng” công nghệ, nên hướng đến hoàn thiện khung pháp lý cho mọi loại hình, cấu phần nền tảng và hoạt động theo cơ chế đặc thù của TTTC, bao gồm cấu phần lớn nhất là thị trường vốn và tiền tệ, ngân hàng. Về phạm vi hoạt động, việc nối kết với TTTC quốc tế theo cơ chế, chính sách nào là bài toán phải tính; trong đó, cơ chế ngoại hối được xem là phần “lõi”, được tự do lưu chuyển, chuyển đổi, cung cấp dịch vụ tới đâu, trực tiếp hay có rào thủ tục trung gian, kiểm soát như thế nào để đảm bảo vừa tự do, hấp dẫn vốn lại vừa không gây rủi ro an ninh tiền tệ quốc gia…
Với thị trường vốn,theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) được xem là giải pháp căn cơ để nâng hạng thị trường và kiểm soát rủi ro giao dịch lưu chuyển vốn hiện vẫn chưa có ngày hẹn triển khai. Việc nghiên cứu để vận hành thử nghiệm sớm tại TTTC vì vậy sẽ cần theo hướng tăng cường kết nối, thúc đẩy thu hút vốn tại TTTC nói riêng, cũng như với toàn bộ thị trường còn lại.
Tương tự, là “bộ áo” khung pháp lý cho Fintech, sandbox, tiền kỹ thuật… đã được nhắc đến từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
Như vậy, những chiếc “áo nhỏ” cho từng cấu phần nền tảng của TTTC trong một bộ khung pháp lý lớn - “bộ áo” lớn, cần được tập trung hoàn thiện ngay từ bây giờ. Đó là tiền đề quan trọng nhất để xây dựng TTTC quốc tế có độ mở phù hợp, có sự khác biệt đảm bảo sức cạnh tranh với các TTTC khác, “gánh vác” được sứ mệnh, kỳ vọng của các TTTC thế hệ F0 tại Việt Nam.