Việc các doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu với lãi suất cao ngất ngưởng để huy động vốn cũng đang tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng.
Chạy đua phát hành trái phiếu
Theo thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS), trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng hiện đang dẫn đầu phát hành trái phiếu với tổng số 25.700 tỷ đồng. Dẫn đầu là ACB khi nhà băng này đã phát hành 6.850 tỷ đồng trái phiếu, với mức lãi suất cố định từ 6,7 – 6,8%/năm, kỳ hạn 3 năm, thanh toán 1 năm/lần. Kế đến là VPBank cũng đã phát hành 5.900 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định từ 6,4% - 6,9%/năm. Ngoài ra, nhiều nhà băng khác cũng đã huy động vốn trung và dài hạn thành công qua kênh này như LienVietPostBank, SeABank, BacABank, OCB, HDBank, VIB, ABBank…
Theo MBS, việc các nhà băng chạy đua phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn cấp II của các ngân hàng tăng cao nhằm nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức 8% theo quy định của thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Đồng tình với nhận định này, song một chuyên gia ngân hàng cũng bổ sung thêm một lý do khiến các ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn là để chuẩn bị trước cho việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể giảm tiếp về còn 30% theo đề xuất của NHNN.
Có thể bạn quan tâm
14:41, 26/06/2019
15:30, 14/06/2019
05:01, 11/06/2019
13:20, 12/05/2019
05:01, 22/03/2019
05:01, 09/03/2019
10:33, 25/04/2019
Đứng thứ hai về về lượng trái phiếu phát hành là nhóm ngành bất động sản - xây dựng - hạ tầng với 19.749 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm nay. Trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, có kỳ hạn từ 1 năm đến 10 năm, phổ biến là kỳ hạn 2 năm.
Đây là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp do thời gian tới NHNN chủ trương thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về còn 30% trong năm 2021/2022.
“Nếu như trước đây, các nhà băng khá mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì hiện nay không dám làm như vậy nữa bởi theo quy định hiện hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được tính vào dư nợ tín dụng”, vị chuyên gia ngân hàng trên bổ sung.
Cũng theo vị này, do có nhu cầu vốn lớn và phải cạnh tranh trực tiếp với kênh tiết kiệm ngân hàng, mà hiện mặt bằng lãi suất huy động cũng đang ở mức khá cao, khiến lãi suất trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành cũng bị đẩy lên tới 11-12%/năm, thậm chí có những doanh nghiệp đưa ra lãi suất tới 14,5%/năm. Đó là chưa kể chi phí tư vấn, bảo lãnh phát hành…
Sức ép tăng lãi suất ngày càng lớn
Rõ ràng, việc các doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu với lãi suất cao ngất ngưởng cũng đang tạo sức ép lớn đến mặt bằng lãi suất của các ngân hàng. “Không ít khách hàng tiền gửi, trong đó có khá nhiều khách hàng lớn, đang bị hấp dẫn bởi các mức lãi suất trái phiếu cao mà doanh nghiệp đưa ra. Sức hấp dẫn càng thêm lớn với các loại trái phiếu có sự “chống lưng” của các nhà băng lớn. Đây là một sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với các ngân hàng trong hoạt động huy động vốn. Điều này buộc các ngân hàng này phải tăng lãi suất để huy động vốn”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Tuy nhiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên chính là xu hướng siết chặt tiền tệ cũng như nâng cao các tiêu chuẩn an toàn của NHNN. Rõ ràng, việc siết chặt tín dụng, đặc biệt là tín dụng trung và dài hạn sẽ buộc các doanh nghiệp phải tìm cách huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Theo Công ty chứng khoán KB, lãi suất huy động kỳ hạn dài có xu hướng tăng trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn tương đối ổn định. Theo đó, lãi suất huy động giảm nhẹ đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, dao động từ 4,1- 5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,5% - 7,45% cho kỳ hạn dưới 12 tháng do nguồn vốn ngắn hạn ở các ngân hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có sự điều chỉnh trái chiều do phụ thuộc tình hình cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Lãi suất huy động trung bình cho kỳ hạn 12, 13 tháng là 6,4%- 8%/năm.
Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể giảm trong thời gian tới, song theo KB, các kỳ hạn dài trên 12 tháng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là trong trường hợp Dự thảo Thông tư về việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ còn 35% vào đầu năm sau của NHNN được thông qua và có hiệu lực.