Khánh Hòa: Ngân hàng chung tay hỗ trợ khắc phục thiệt hại do SARS-CoV-2
Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch SARS-CoV-2 vượt qua khó khăn.
NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại ổn định mặt bằng lãi suất, tiếp tục cung ứng các dịch vụ tiền tệ, thanh toán đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và người dân; đồng thời thực hiện nghiêm quy định của NHNN về trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải phân tích đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp của đợt dịch SARS-CoV-2 như: du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu, khách sạn, nhà hàng,... để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch SARS-CoV-2... Tuy nhiên, các ngân hàng cần ngăn chặn việc lợi dụng dịch SARS-CoV-2 để xử lý những khoản tín dụng không phải do tác động của dịch.
Theo chỉ đạo nói trên của NHNN, ngành ngân hàng tỉnh Khánh Hòa đã chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết ngày 06/02/2020, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã ban hành Công văn để triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2. Hiện nay, nhiều Chi nhánh của các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh này.
Cụ thể, Vietcombank sẽ hỗ trợ các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...). Đối với khách hàng hiện đang có dư nợ vay bằng VND bị ảnh hưởng bởi dịch SARS-CoV-2, Vietcombank sẽ giảm lãi suất 1%/năm đến 1,5%/năm. Đối với các khoản vay USD, lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 0,75%/năm. Đối với các khoản vay mới, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm lãi suất vay bằng VND và 0,5%/năm bằng USD. Ngoài giảm lãi suất cho vay, Vietcombank cũng sẽ giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này.
Có thể bạn quan tâm
Liệu pháp 9 tuần "giải cứu" doanh nghiệp trong mùa SARS-CoV-2
13:59, 25/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Lãi suất cho vay còn dư địa giảm sâu?
05:20, 17/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] "Tiếp sức” cho doanh nghiệp chống dịch COVID-19
11:02, 14/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Cần thêm cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm COVID-19
05:30, 07/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19
12:06, 06/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19
09:26, 05/02/2020
Bên cạnh đó, NamABank cũng triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona” với hạn mức 100 tỷ đồng, áp dụng đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch thuộc các ngành nghề du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch); lãi suất cho vay giảm 0,3%/năm đối với USD và giảm 0,5%/năm đối với VND; thời gian triển khai từ 10/02/2020 đến khi có thông báo của Tổng Giám đốc hoặc hết dịch.
Ngoài ra, nhiều ngân hành như: VPBank, KienLongBank, Sacombank... cũng đã giảm lãi suất cho vay, không áp dụng lãi suất phạt quá hạn trong thời gian từ 03 - 06 tháng. Đồng thời, một số chi nhánh của các ngân hàng cũng đang rà soát và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch để có hỗ trợ kịp thời như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay…