Các doanh nghiệp thiệt hại do dịch SARS-CoV-2 đã có thời gian cụ thể để thương thảo cùng tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu các khoản nợ đến hạn hoặc miễn giảm lãi vay...
Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tới các tổ chức tín dụng tại công văn số 1117/NHNN-TD, ban hành ngày 24-2, về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 đã nêu thời gian cụ thể để tổ chức tín dụng thực hiện là 9 tuần, bắt đầu từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2020.
Phù hợp thực tiễn và diễn biến dịch bệnh
Đây là khoảng thời gian sát với diễn biến dịch bệnh đã bắt đầu tác động đến hoạt động kinh doanh, bao gồm cả 6 ngày nghỉ Tết nguyên đán theo quy định mà doanh nghiệp cũng đã nghỉ không hoạt động. Tính toán cả khoảng thời gian 6 ngày Tết ngắn, điểm bắt đầu của việc xem xét cơ cấu lại khoản nợ, xét miễn giảm lãi được cho là nhân văn và phù hợp thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở thời hạn tạm khép liệu pháp 9 tuần tại 31/3, tính tại bây giờ chúng ta còn khoảng hơn 1 tháng nữa. “Phòng xa” hơn một tháng cũng được cho là có thêm khoảng giãn phù hợp với diễn biến dịch bệnh đang lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước đang giao thương kinh tế, làm ăn mật thiết với Việt Nam. Liên quan đến nguồn cung ứng nguyên phụ liệu hàng hóa thiết bị vật tư để sản xuất phục vụ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất gia công, chế biến chế tạo, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng, điện tử…, các doanh nghiệp Việt cũng như nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đang phụ thuộc vào công xưởng chung của thế giới là Trung Quốc. Hàng hóa nông sản Việt Nam nói riêng cũng đang tắc nhiều đoạn trên con đường đến thị trường 1,4 tỷ dân. Cùng với đó, Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam, lại đang bước vào giai đoạn căng thẳng của dịch. Mở rộng ra là Singapore, Hồng Kong (Trung Quốc) và cả các quốc gia, khu vực khác.
Có thể bạn quan tâm
10:46, 25/02/2020
12:06, 06/02/2020
09:26, 05/02/2020
15:01, 17/02/2020
Như vậy, khoảng 9 tuần với bắt đầu sớm, giãn trễ sẽ là khoảng dự phòng không thừa. Trong trường hợp nếu diễn biến dịch còn tiếp tục lan rộng, leo thang, thời gian dự phòng trước mắt thậm chí còn chưa đủ.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc NHNN chỉ đạo các tổ chức tháo gỡ khó khăn, chung tay với khách hàng bị ảnh hưởng bằng liệu pháp giảm áp lực chi phí tài chính – áp lực trả nợ và lãi trong khi nguồn thu sụt giảm, doanh nghiệp vẫn phải ứng phó với các chi phí cố định như chi phí mặt bằng hoạt động, lương bảo hiểm cho cán bộ nhân viên…có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt với khu vực dịch vụ, bán lẻ, lữ hành du lịch… đa phần là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không mạnh, các quỹ dự phòng thường không được trích lập hoặc trích lập tượng trưng. Các doanh nghiệp này cũng đang bị thiệt hại trực tiếp về nguồn thu do chi dùng suy giảm, nhất là du lịch và các dịch vụ đi kèm du lịch gần như “đóng băng” ở những thị trường bị chi phối bởi nguồn khách hàng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Một doanh nghiệp cho biết đối với nhiều lĩnh vực, điểm rơi của thiệt hại do dịch SARS-CoV-02 trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể chậm hơn, nhưng ảnh hưởng lại dài hạn hơn khó đánh giá tác động trực tiếp. Ví dụ lĩnh vực bất động sản cũng sẽ gần như đóng băng ở một số phân khúc khi các lĩnh vực kinh doanh có sự đứt đoạn hoặc người dân, nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ, co cụm. Giá vàng lên cao bất thường dựng đứng và đạt đỉnh 10 năm là một minh chứng cụ thể cho thấy tâm lý phòng thủ đang phủ sóng trên mọi thị trường. Tại các tuyến phố trung tâm lớn của TP HCM, đã xuất hiện hàng loạt cửa hàng treo biển sang nhượng hoặc đóng cửa dài hạn. “Đà lao đốc của địa ốc bán lẻ từ trung tâm thương mại đến mặt bằng phố thị đều sẽ là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp trong mùa dịch và trong cả năm nay. Liệu họ có được các ngân hàng xem xét như đối tượng chịu thiệt hại vì dịch hay không và sau thời gian NHNN quy định hay không?”, một doanh nghiệp hỏi.
"Khung mềm" và chủ động
Ở góc độ các tổ chức tín dụng, theo chỉ đạo của NHNN ở công văn trước, hiện đã có nhiều nhà băng ráo riết thực hiện cơ chế xem xét hỗ trợ cho khách hàng bị thiệt hại vì dịch.
Ghi nhận bước đầu cho hầu các ngân hàng đều chọn theo nhóm đối tượng bị thiệt để triển khai giảm lãi vay. Kienlong Bank có chính sách hỗ trợ các khách hàng trồng trái cây có thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc trên toàn quốc với mức giảm lãi cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng. Thời gian áp dụng giảm là 01/02/2020 đến 30/4/2020.
HDBank bên cạnh chương hỗ trợ các dịch vụ đặc biệt về L/C, thanh toán cho nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối dược, thiết bị vật tư y tế nhằm tăng lực đáp ứng các nhu cầu bình ổn và cung ứng đủ hàng hóa cho bà con chống dịch, cũng giảm lãi vay từ 2-4,5% cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh trên toàn quốc, đặc biệt khu vực nông thôn, trừ các tỉnh thành Trung ương. Chương trình “Chủ động lãi suất – Tăng tốc cho vay 2020” của HDBank đã diễn ra từ trung tuần tháng 2 và dự kiến đến 31/12/2020.
Tương tự, trong danh mục khách hàng của VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn do dịch là vận tải, kho bãi; Lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; Các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc… được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định của ngân hàng. VPBank ước tính có khoảng 1.000 khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng sẽ bị tác động trong dịp này và sẽ có chiều hướng tăng lên. Giãn nợ, cấu trúc nợ theo đó cũng đã được ngân hàng đặt ra.
Ở vị thế ngân hàng lớn, BIDV triển lãi giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND, và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất. Ngân hàng cũng công bố quy mô dư nợ tín dụng được giảm lãi vay lần này khoảng 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD, dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của BIDV có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch SARS-CoV-2. Thời gian triển khai giảm lãi suất vay này áp dụng đến hết 30/6/2020, hoặc đến khi hết quy mô gói...
Nhìn chung, thời gian mà các nhà băng lên chương trình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp có khoảng dài khá dài so với quy định cụ thể 9 tuần như văn bản chỉ đạo của NHNN. Chưa biết các nhà băng có thể linh hoạt hoặc phải điều chỉnh lại thời gian triển khai các chương trình hỗ trợ chung tay cùng doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch hay không; song chắc chắn với chỉ đạo các ngân hàng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về chọn đối tượng khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh để triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể, thống nhất trong hệ thống, tính chủ động của mỗi nhà băng "tự mình biết mình" khi chung tay cùng bạn hàng, khách hàng, sẽ được mạnh dạn phát huy hơn.
Một chuyên gia cho rằng trong “dư địa” của mình, các TCTD cũng nên chủ động hơn nữa trong cân đối để triển khai hoặc tiếp tục kéo dài, gia tăng các hỗ trợ thiết thực ở những chương trình đã triển khai, sao cho không hỗ trợ sai đối tượng, không thất thoát vốn đến nơi không phù hợp hỗ trợ. “Ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh, sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp ngoài khả năng, ngoài sức chịu đựng gây thiệt hại đến hiệu quả kinh doanh của mình. Do đó, thời gian hay liệu pháp hỗ trợ đều nên được xem là “khung mềm”, là nền để các tổ chức linh hoạt áp dụng và đưa ra các thương thảo, đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng hiệu quả cho các bên và nền kinh tế", ông này nói.