Tỷ giá USD hôm nay 1/6: USD nối tiếp đà giảm cuối tuần qua
Trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường Châu Á, đồng USD lại tiếp tục giảm nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Đồng USD đã giảm điểm so với các đồng tiền chủ chốt khác vào cuối tuần qua do bị ảnh hưởng bởi dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ và nhu cầu đối với các tài sản có lợi suất cao sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump cho biết Trung Quốc đã không giữ lời hứa đảm bảo quyền tự trị của Hồng Kông. Do đó, Mỹ sẽ tước các đặc quyền thương mại dành cho Hồng Kông. Đặc biệt, ông Trump cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thông báo ngân quỹ sẽ được chuyển đến tài trợ cho các tổ chức khác. Tuy nhiên, ông không đề cập đến các chính sách thuế mới đối với Trung Quốc hay sự kết thúc giai đoạn một của thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung.
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 1/6 (giờ Việt Nam), US Dollar Index (DXY)- chỉ số đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 98,22 điểm, giảm 0,13%.
EU tiết lộ gói cứu trợ 750 tỷ EUR bao gồm 500 tỷ EUR tiền trợ cấp và 250 tỷ EUR cho các quốc gia thành viên vay. Để có số tiền này, Châu Âu sẽ đi vay từ các thị trường tài chính và dự định sẽ hoàn trả từ năm 2028 đến 2058. Tin tức này đã hỗ trợ tích cực cho EUR trong tuần qua. Theo đó, cặp tỷ giá EUR/USD ổn định ở khoảng 1,1100.
Trước đó, Đức và Pháp đã đồng ý phát hành nợ chung EU để Ủy ban châu Âu có thể xúc tiến kế hoạch huy động 500 tỷ EUR phục vụ cho mục đích trợ cấp các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bước tiến này được xem là sự đột phá và mang tính lịch sử vì Đức luôn phản đối về ý tưởng nợ chung, ngay cả trong các cuộc khủng hoảng trước đó. Tuy nhiên, vẫn có 4 quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch vay nợ này.
Cặp tỷ giá GBP/USD đã chạm mức 1,2400 nhưng sau đó đã sụt giảm và ổn định ở mức 1,2350. Cuối tuần qua, Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Barnier, cho biết Thủ tướng Anh Johnson đã không tôn trọng thỏa thuận Brexit được ký năm ngoái, đồng thời cảnh báo sẽ "không có thỏa thuận dù với bất kỳ chi phí nào". Vòng đàm phán Brexit cuối cùng sẽ diễn ra trong tuần này.
Đối với đồng JPY, căng thẳng Mỹ- Trung leo thang mạnh mẽ, nhất là sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Nghị quyết xây dựng dự luật an ninh Hồng Kông, đã làm gia tăng vai trò trú ẩn an toàn đối với JPY, qua đó gây áp lực lên cặp USD/JPY. Sáng nay, USD/JPY ở mức 107,79.
Ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.261 đồng (giảm 10 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá USD phổ biến ở mức 23.210 đồng (mua) và 23.390 đồng (bán). Trong đó, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.210 đồng/USD và 23.390 đồng/USD. Vietinbank: 23.193 đồng/USD và 23.375 đồng/USD. BIDV: 23.205 đồng/USD và 23.385 đồng/USD...
Có thể bạn quan tâm
Tỷ giá USD hôm nay 29/5: USD suy yếu vì dữ liệu kinh tế Mỹ
07:00, 29/05/2020
Tỷ giá USD hôm nay 28/5: USD index vẫn trên đà điều chỉnh?
07:10, 28/05/2020
Đề phòng cú sốc tỷ giá ngắn hạn
06:00, 28/05/2020
Tỷ giá USD hôm nay 27/5: USD phục hồi nhẹ sau cú "trượt dốc"
07:08, 27/05/2020
Tỷ giá USD hôm nay 26/5: USD vẫn chiếm ưu thế so với các đồng tiền chủ chốt
07:00, 26/05/2020
Tỷ giá USD hôm nay 25/5: USD quay đầu giảm trở lại
07:00, 25/05/2020