"Ngôi vương" USD: Quá khó để sụp!

LÊ MỸ 17/06/2020 05:52

Đồng bạc xanh quyền lực của Mỹ, một lần nữa đang được đặt trước những nguy cơ của phong trào hạ bệ, soán ngôi.

Cứ 10 năm một lần, theo chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, lại xuất hiện “phong trào” đòi thay thế, hạ bệ đồng USD. Chẳng ai muốn một ông vua tiền tệ quyền lực ngự mãi trên một đỉnh và có khả năng tác động đến mọi dải núi thấp tiền tệ- tài chính của các quốc gia. Sự ra đời của đồng Euro và những đợt trỗi dậy của đồng Nhân dân tệ (CNY) để có mặt trong giỏ tiền thanh toán quốc tế, khiến đồng USD trong những năm gần đây đã phần nào suy giảm vị thế.

USD sẽ mất vai trò đặc quyền?

COVID - 19 bùng phát và lan rộng trên toàn nước Mỹ, nạn thất nghiệp cộng với “vết dầu” rơi tình cờ nhưng thổi bùng những đám tro âm ỉ về các vấn đề nội tại của nước Mỹ bao gồm chênh lệch giàu nghèo, phân biệt chủng tộc... đã và đang đẩy nước Mỹ đối mặt với bài toán đau đầu hơn bao giờ hết. Chính quyền D.Trump chưa thể sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh và các rối ren hiện tại, đã ngày càng kéo giãn khoảng cách với mục tiêu "The First American – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trong khi những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ và cuộc đua chặng đích bầu cử nhiệm kỳ mới của Trump đang sát sao đến gần.

Ngôi vương USD: Quá khó để sụp!

Ngôi vương USD quá khó để sụp!

Chưa bao giờ với sự tăng giá mạnh mẽ của vàng khiến tài sản lấp lánh này có những lúc tưởng có thể lăm le quay trở lại vị thế bản vị, và sự mất giá khủng khiếp của dầu hỏa, dẫn đến vàng kim loại lẫn vàng đen - 2 loại hàng hóa được sử dụng USD làm đơn vị tiêu chuẩn, trở nên biến động khó lường như hiện tại. Nước Mỹ tăng cường in thêm quá nhiều tiền bơm vào nền kinh tế cứu nguy trì trệ, suy thoái, khiến nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực lên tỷ giá hối đoái của đồng bạc xanh như giai đoạn 10 năm trước từ 2008-2019, ngày càng rõ.

Tờ Bloomberg mới đây trích dẫn nhận định của một vị chuyên gia, nghiên cứu viên từ Viện Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, trường Đại học Yale, Mỹ, cho rằng đồng bạc xanh có thể sẽ mất giá khoảng 35% vào năm tới và đánh mất đặc quyền trong vai trò đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Với những mối nguy từ toàn cảnh đến nội tại, cảnh báo trên liệu có thể trở thành sự thật?

Khó thay thế USD

Theo Bloomberg, nguyên nhân dẫn đến vị thế đồng USD suy yếu là do tầm ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm, sau khi rút ra khỏi hàng loạt các tổ chức và hiệp ước. Ngoài ra, Mỹ đã và đang in thêm quá nhiều tiền, như đề cập ở trên.

Rõ là nước Mỹ đang in tiền, bởi đã và đang phải chi hàng nghìn tỷ USD để thực thi các gói cứu trợ và cứu chữa “vết thương” COVID-19 đối với mọi thành phần kinh tế, người dân, vãn hồi áp lực lên con số 36 triệu người đệ đơn xin thất nghiệp tính đến giữa tháng 5 năm nay và sẽ còn nhiều hơn nữa. Thậm chí Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên trong lịch sử đã phải ra tay can thiệp thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Việc in, bơm thêm rất nhiều tiền vào nền kinh tế là lựa chọn không chỉ của Mỹ, còn của nhiều quốc gia khác. Trong bối cảnh “bất khả kháng”, các quốc gia đều phải chấp nhận sự ảnh hưởng tiêu cực lên đồng tiền của mình và nguy cơ lạm phát tương lai. Không có lựa chọn nào hơn! Theo đó, trong cuộc đua của các thế lực để muốn giành ngôi bá chủ kinh tế toàn cầu bao gồm từ các khối kinh tế, các quốc gia đi đầu và manh nha là những tập đoàn tài chính công nghệ kiểm soát dữ liệu đa quốc gia, thực tế, hầu hết đều đã và đang có sự tổn thương nhất định.

Được IMF đưa vào rổ tiền thanh toán quốc tế, đồng CNY đã và đang được quốc tế hóa ngày càng rộng rãi hơn, để tiến tới phá vỡ dần vị thế độc tôn của đồng bạc xanh. Trong cuộc đối đầu đang tạm ban hành “lệnh ngừng bắn” giữa chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, COVID-19 đã thay đổi không ít tương quan các bên. Đặc biệt, việc Trung Quốc mới đây thử nghiệm tiền điện tử hứa hẹn một khả năng giảm bớt lệ thuộc vào các tổ chức tài chính Mỹ, tiến đến dần xây dựng một hệ thống thanh toán thay thế.

Song, vị thế độc tôn của đồng bạc xanh trước mắt vẫn sẽ rất khó thay đổi. “Nhiều tổ chức đã số hóa USD. FED cũng tuyên bố có khả năng phát hành USD kỹ thuật số. Ngoài ra, với tỷ trọng thanh toán thương mại quốc tế bằng USD chiếm 90%, dự trữ ngoại hối trung bình toàn cầu hơn 50%, sẽ còn rất lâu ngôi vương của USD mới có thể suy suyển chứ chưa nói tới một năm tới, kể cả khi nước Mỹ đang tạm thời gánh những áp lực như hiện tại”, Chuyên gia Tài chính Đầu tư Phan Dũng Khánh nhận định với DĐDN.

Ngoài ra, ông Khánh cũng lưu ý Mỹ hiện chiếm tới gần 1/3 nợ công toàn cầu nên việc thay thế ngôi vương của đồng USD là bất khả. Ít nhất trong 10 năm tới, USD vẫn còn yên ổn, có thể có thêm phiên bản kỹ thuật số, thậm chí còn tăng giá.

Về nguy cơ mất 35% của đồng USD như cảnh báo, nếu có, trên tổng quan cũng không hẳn là mối nguy quá lớn dẫn đến sự đổ vỡ vị thế đồng tiền này. Trong 9 năm nước Mỹ bơm ròng tiền gần nhất, USD đã tăng giá tới 30%. Lịch sử 10 năm 1 lần đồng USD lại bị đòi thay thế nhưng chưa bao giờ điều đó xảy ra. Trong khi đó, dù nhiều quốc gia ngập trong nợ nần thì thế giới rõ ràng không thể tan rã. "Chủ nợ” USD vì thế, cầm chắc ít nhất thêm một chu kỳ để phục hồi từ đáy suy thoái, tiếp tục giữ vai trò quyền lực đồng dự trữ chính của mình.

Nhưng ngay cả như vậy, cuộc sống cũng đã và đang là một lời nhắc nhở: Không có gì là không thể xảy ra...

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng tiền số Trung Quốc sẽ làm tổn hại vị thế độc tôn của đồng USD?

    Đồng tiền số Trung Quốc sẽ làm tổn hại vị thế độc tôn của đồng USD?

    16:19, 02/06/2020

  • Đồng USD sắp phá giá?

    Đồng USD sắp phá giá?

    11:15, 12/08/2019

  • Liên minh tài chính Nga - Trung đe dọa đồng USD?

    Liên minh tài chính Nga - Trung đe dọa đồng USD?

    11:01, 10/11/2018

  • Rủi ro từ nghịch lý đồng USD

    Rủi ro từ nghịch lý đồng USD

    19:55, 05/03/2018

  • Đồng USD yếu:

    Đồng USD yếu: "Lợi bất cập hại"

    11:13, 28/01/2018

  • Bitcoin khó “lấn át” đồng USD

    Bitcoin khó “lấn át” đồng USD

    11:30, 13/12/2017

LÊ MỸ