Lần đầu tiên kể từ năm 2003, Mỹ dường như đang cân nhắc lại chính sách của mình đối với đồng USD. Điều này có thể ảnh hưởng tới "sức mạnh" của đồng tiền này trong thời gian tới.
Vào giữa những năm 1990, sau thời kỳ suy yếu rất mạnh của đồng USD, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Robert Rubin lập luận rằng một đồng USD mạnh sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Đó là một triết lý mà các nhà đầu tư tin tưởng vì những lý do đúng đắn. Một đồng tiền mạnh giúp ổn định lạm phát, từ đó giúp giữ lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng USD mạnh cũng sẽ giúp giảm chi phí lãi vay mà chính phủ Mỹ phải trả cho số nợ liên bang khổng lồ và đang ngày càng gia tăng.
Dù vậy, một đồng USD mạnh không giúp ích cho tất cả mọi người. Trong đó, các nhà xuất khẩu Mỹ luôn muốn một đồng USD yếu để hàng hóa của họ trở nên cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Điều này đã được cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow nêu ra vào năm 2003 khi ông công khai đặt câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước Mỹ.
Hai tuần sau bình luận của ông John Snow, thị trường Mỹ đã chứng kiến đồng EUR tăng hơn 2% so với đồng USD (một biến động đổi tương đối lớn trên thị trường tiền tệ). Mặc dù sau đó ông Snow quay trở lại với triết lý "đồng USD mạnh" vào năm 2004, nhưng sự sụt giảm về niềm tin của các nhà đầu tư đối với chính sách này đã không thể đảo ngược. Trong giai đoạn tháng 5 năm 2003 đến cuối năm 2004, EUR đã tăng 17% so với đồng USD.
Mặc dù xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng hoạt động này chỉ chiếm khoảng 13% GDP của Mỹ, trong khi đóng góp của người tiêu dùng Mỹ chiếm khoảng 2/3 GDP, và chính nhóm tiêu dùng này hưởng lợi nhiều từ một đồng USD mạnh.
Một đồng USD suy yếu có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao hơn và giá cả hàng hóa đắt hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, nhưng khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi và cuối cùng hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ tăng cao. Hơn nữa, đồng USD yếu sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Khi đó, lãi suất cao sẽ có lợi cho người gửi tiết kiệm, nhưng lại gây bất lợi cho các tổ chức, cá nhân vay nợ ngân hàng.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, đồng USD suy yếu sẽ giúp ngân hàng trung ương các nước này kiểm soát thị trường ngoại hối tốt hơn và hạn chế áp lực phải phá giá đồng nội tệ. Như trường hợp của Trung Quốc, dòng vốn đầu tư rút khỏi nước này khi FED tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều này phần nào đã bị hạn chế khi đồng USD suy yếu trở lại trong thời gian qua.
Suy cho cùng, không có chính sách đồng USD nào - mạnh hay yếu - có thể làm mọi người Mỹ vui vẻ. Vì vậy, cần có một chính sách phù hợp để hài hòa mọi lợi ích của các thành phần trong nền kinh tế Mỹ.
Các doanh nghiệp cũng không thể điều chỉnh kế hoạch tài chính của họ đủ nhanh để tránh các ảnh hưởng từ biến động tiền tệ đối với lợi nhuận của họ. Trong khi đó, sự biến động tiền tệ đột ngột có thể gây ra căng thẳng quốc tế lớn hơn, và có thể làm tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ.
Các bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mukuchin tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ trong tuần này dường như muốn "đồng USD yếu” để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Mỹ, đặt nhóm này làm ưu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, một đồng USD yếu có nguy cơ gây thiệt hại cho người Mỹ nhiều hơn.
Mặc dù vậy, với Luật thuế sửa đổi và chính sách "nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump, thì xét về dài hạn, đồng USD chỉ có thể mạnh lên, chứ khó có thể yếu đi. Bởi vì, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển lợi nhuận và vốn đầu tư về trong nước để đón đầu cơ hội đầu tư.