Ngân hàng ngóng nới room tín dụng
Dù tăng trưởng tín dụng rất ì ạch trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng nhiều ngân hàng vẫn ngóng được nới room tín dụng để rộng đường chạy đua nửa cuối năm.
Tính đến 29/6/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,26%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Kỳ vọng tín dụng tăng gấp đôi
Ông Đặng Khắc Vỹ- Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, là ngân hàng đầu tiên hoàn thiện 3 trụ cột theo chuẩn Basel II, VIB đang có tăng trưởng tích cực và có điều kiện để kỳ vọng được NHNN nới room tín dụng. Mức kỳ vọng mà VIB đặt ra lên tới 24% - khá cao so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung của ngành theo kế hoạch 14%, và theo thực tế có thể điều chỉnh ở mức thấp 10-12%.
Hay như HDBank, mức tăng trưởng tín dụng cao nhất mà HDBank dự tính, theo nhận định của giới chuyên môn, có thể rơi vào trên 20%. Tất nhiên, điều đó vẫn phụ thuộc vào quyết định của NHNN.
Bàn chuyện ngóng nới room tín dụng, trong khi tín dụng tăng trưởng ì ạch trong 6 tháng đầu năm 2020, có vẻ như là một nghịch lý. Song đó lại là câu chuyện của thời điểm khi những nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã “tới hạn”, ở “điểm rơi” hiệu quả chờ thấm vào nền kinh tế và đặc biệt chờ sự phục hồi của cầu tín dụng. Trong đó, ngân hàng đã nỗ lực giữ nhịp cho vay và hỗ trợ thông qua các chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ… theo quy định của cơ quan quản lý. Và một nỗ lực rất lớn là việc hạ lãi suất xuống đến mức “như không thể thấp hơn”, khiến giá vốn đầu vào của nhiều TCTD đã gần như chạm “bẫy thanh khoản”.
Tiêu chí tăng hạn mức tín dụng
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, không phải TCTD nào cũng tăng trưởng tín dụng “kịch trần” trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Nhưng cũng vì điều này, các TCTD đang ngóng NHNN xem xét nới room tín dụng phù hợp cho những tổ chức còn năng lực nhưng đã hẹp dư địa hoặc còn dư địa nhưng cần được tăng thêm để tiếp vốn cho nền kinh tế.
“Hy vọng tăng trưởng tín dụng sẽ vượt qua mức 9%, theo nguyên lý 6 tháng đầu 3%, 6 tháng sau có thể tăng gấp đôi. Bởi vì, Việt Nam vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng. Theo đó, nếu không có đòn bẩy cho tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu”, ông Huỳnh Trung Minh khuyến nghị.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù có nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng âm, tăng trưởng tín dụng thấp, song cũng có nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng tốt. NHNN đã tiếp nhận đề nghị điều chỉnh nới room của một số ngân hàng và đang tổng hợp xem xét. Theo đó, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức cho một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt, đưa tín dụng chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Có thể thấy, việc xác định sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng trong năm nay đang là bước điều chỉnh linh hoạt của cơ quan quản lý, khác với “đóng cứng” room tín dụng như năm trước. Điều này khá phù hợp với tình hình thực tế nền kinh tế hấp thu tín dụng khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
[DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 20- 25/4] Nới room tín dụng, cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho SME
11:30, 25/04/2020
Linh hoạt nới room tín dụng
11:10, 24/04/2020
Ngân hàng nào trong nhóm "Big 4" sẽ được nới room tín dụng?
16:00, 31/01/2020
Nhóm ngân hàng nào được nới room tín dụng cao nhất?
15:15, 02/04/2019