Cấp bù lãi vay cho công nghiệp hỗ trợ
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách cấp bù lãi vay ngân hàng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào đầu năm 2021.
Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT.
Cú hích mới
Để thúc đẩy CNHT trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP với mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%...
Theo đó, Nghị quyết 115 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó đáng chú ý là chính sách cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp CNHT; mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, nên nếu được cấp bù lãi suất tối đa 5%/năm thì lãi suất mà các doanh nghiệp CNHT phải thực trả cho ngân hàng sẽ chẳng đáng là bao.
Cần kiểm soát rủi ro
Việc triển khai chính sách này trên thực tế cũng không phải là vấn đề lớn vì trước đây Chính phủ cũng đã triển khai cấp bù lãi vay cho khá nhiều lĩnh vực như cho vay tàu 67, cho vay nhà ở xã hội… Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia trăn trở đối với chính sách này chính là vấn đề nguồn vốn và cơ chế kiểm soát để tránh rủi ro.
Quả vậy, hiện ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp và phải chi cho rất nhiều khoản, nên việc dành ra một lượng ngân sách để cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp CNHT cũng là một khó khăn. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ một số lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển, tránh hỗ trợ dàn trải. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát việc triển khai để chính sách này đến đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi; đồng thời cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Lo ngại trên là không thừa khi mà trên thực tế đã có rất nhiều chương trình tín dụng chính sách như vậy phát sinh nợ xấu. Đơn cử như chương trình cho vay tàu 67, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu của chương trình cho vay này lên tới 38,83%.
Có thể bạn quan tâm
Đánh giá lại việc cấp bù lãi suất cho VBSP, VDB
10:09, 17/06/2017
Lời giải nào cho tàu 67?
05:05, 17/11/2019
Giải pháp giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu
15:09, 25/11/2020
Công nghiệp hỗ trợ cần lực đẩy chính sách
04:50, 19/10/2020
Nâng giá trị từ ngành công nghiệp hỗ trợ
04:00, 11/10/2020
Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ: Lực đẩy từ chính sách
05:30, 16/08/2020