Cẩn trọng bong bóng tài sản
Thanh khoản nền kinh tế dư thừa quá lớn, cộng với lãi suất giảm mạnh có thể dẫn tới hình thành bong bóng giá tài sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù Việt Nam chưa có dấu hiệu bong bóng tài sản, nhưng cần cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và có giải pháp đề phòng.
Thanh khoản dư thừa
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào. Bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian vừa qua và đang đứng ở mức rất thấp. Theo đó, hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chỉ ở mức 0,1%/năm; 1 tuần là 0,22%/năm và 1 tháng là 0,4%/năm.
Theo giới chuyên gia, có hai nguyên nhân dẫn tới dư thừa thanh khoản. Thứ nhất là tín dụng tăng trưởng rất chậm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi. Tính đến cuối tháng 11, tín dụng mới tăng khoảng 8,46%, thấp hơn nhiều mức tăng 11% của cùng kỳ năm 2019. Thứ hai, động thái mua vào ngoại tệ của NHNN trong thời gian qua cũng đồng nghĩa với việc đã có một lượng lớn tiền đồng được bơm ra thị trường, bổ sung thêm thanh khoản cho các ngân hàng.
Thanh khoản dư thừa trong khi tín dụng tăng chậm đã kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm mạnh. Theo NHNN, tính đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6- 0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; đặc biệt lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm.
Cần cảnh giác
Lo ngại bong bóng tài sản ở Việt Nam không phải không có cơ sở khi mà hiện thế giới đang ngập trong tiền, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào các tài sản tài chính.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ở Việt Nam chưa có dấu hiệu của bong bóng tài sản. Thứ nhất, mặc dù thanh khoản dư thừa, song lượng lớn tiền này vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và được sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ.
Thứ hai, các thị trường tài sản không có dấu hiệu sốt nóng. Chẳng hạn như thị trường vàng, dù giá vàng trong nước cũng tăng khá mạnh kể từ đầu năm nay, song chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới. Thị trường bất động sản hiện vẫn đang rất trầm lắng vì đại dịch COVID-19. Thị trường ngoại tệ cũng bình lặng, thậm chí tỷ giá còn giảm...
Thứ ba, dòng vốn rẻ từ nước ngoài cũng không có dấu hiệu đổ mạnh vào Việt Nam. Bằng chứng là nhiều phiên giao dịch gần đây đều chứng kiến hoạt động bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, tính chung 11 tháng qua, lượng góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại cũng chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm tới 41,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Tuy nhiên vẫn cần cảnh giác”, một chuyên gia khuyến cáo. Bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế rất lớn nên chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ từ thị trường bên ngoài. Trong khi hiện thế giới vẫn đang ngập trong tiền và hiện đồng USD đang có xu hướng giảm giá mạnh sẽ đẩy giá nhiều loại tài sản tăng.
Có thể bạn quan tâm