Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ, dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế sẽ chảy mạnh vào tài sản rủi ro, làm nổ tung bong bóng tài sản ở quốc gia này.
Để khởi động lại nền kinh tế, trong thời gian qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tăng cường nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó một phần lớn dòng vốn giá rẻ chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã và đang chảy mạnh vào Trung Quốc do quốc gia này đã cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19 và nền kinh tế nước này đã và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Ông Paul Colwell, người đứng đầu nhóm tư vấn danh mục đầu tư khu vực Châu Á tại Willis Towers Watson cho biết, trong khi PBoC có thể sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức hiện tại, thì NHTW của nhiều quốc gia khác sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, hoặc tung ra các chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, khiến lợi suất trái phiếu giảm mạnh. Điều đó sẽ càng khiến dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào thị trường trái phiếu Trung Quốc, nhất là khi thị trường tài chính nước này đã mở cửa nhiều hơn so với trước đây.
Theo thống kê, tỷ lệ nắm giữ của nước ngoài đối với nợ chính phủ Trung Quốc thông qua liên kết thị trường ở Hồng Kông đã tăng hơn 900 tỷ nhân dân tệ trong 11 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Trung Quốc ngày càng lo ngại về việc gia tăng nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình; đồng thời đưa ra cảnh báo về rủi ro bong bóng tài sản gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản nước này đang phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng lo ngại về việc gia tăng đòn bẩy tài chính và sự nở rộ của tín dụng đen để tài trợ thị trường chứng khoán và bất động sản.
Trong vài tháng qua, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã đưa ra cảnh báo các ngân hàng thương mại nước này đã không tuân thủ các quy định về cho vay liên quan đến tài sản rủi ro.
Việc Nhân dân tệ tăng nhanh trong những tuần gần đây đã gây ra một cuộc tranh luận ở Trung Quốc về việc những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm mở cửa thị trường tài chính trong nước cho nhiều đầu tư nước ngoài hơn có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ, gây nguy cơ hình thành bong bóng tài sản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, tình hình kinh tế của Trung Quốc tương đối khả quan trong lúc dịch bệnh vẫn đang hoành hành và rất nhiều quốc gia rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, thậm chí tăng trưởng toàn cầu cũng âm khoảng 4% trong năm nay. "Việc các nhà đầu tư đổ tiền vào Trung Quốc cũng không có gì là bất thường, vì Trung Quốc đang nổi lên là một trong những nền kinh tế phục hồi tốt sau dịch bệnh", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bong bóng tài sản tại Trung Quốc không phụ thuộc nhiều vào giá trị của đồng nhân dân tệ tăng, mà phụ thuộc vào chính sách kinh tế của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ, thì người dân sẽ đi vay nhiều hơn, đổ tiền vào đầu tư bất động sản cũng như chứng khoán, cộng với một lượng lớn vốn đầu tư quốc tế đổ vào thị trường này, sẽ có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản.
“Tính đến thời điểm hiện tại, nguy cơ bong bóng tài sản ở Trung Quốc đã hình thành. Trung Quốc cần thận trọng trong các quyết sách về nới lỏng tiền tệ để tránh tình trạng bong bóng tài sản nổ ra, không chỉ gây hệ luỵ cho nền kinh tế Trung Quốc, mà của cả nhiều quốc gia khác”. ông Hiếu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
“Bom nợ” doanh nghiệp Trung Quốc phát nổ
05:00, 28/11/2020
“Bom nợ” Trung Quốc sắp phát nổ?
16:10, 11/06/2020
Làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc (Kỳ II): Chính phủ có buông xuôi?
04:00, 13/12/2020
Làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc: Kỳ I- Nguy cơ khủng hoảng tài chính
01:00, 06/12/2020
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ Trung Quốc
05:30, 04/12/2020