Làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc: Kỳ I- Nguy cơ khủng hoảng tài chính

TS.BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia Kinh tế độc lập 06/12/2020 01:00

Kể từ đầu tháng 11/2020 khi nền kinh tế Trung Quốc cho thấy sự phục hồi thì cũng là lúc xuất hiện làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở nước này.

 Tổng nợ của Trung Quốc giai đoạn 2014- 2024 (dự kiến). Nguồn: Statista 2020.

Tổng nợ của Trung Quốc giai đoạn 2014- 2024 (dự kiến). Nguồn: Statista 2020.

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc, nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính.

Tình trạng báo động

Đầu tháng 11/2020 thị trường trái phiếu Trung Quốc đã chứng kiến hàng loạt vụ vỡ nợ của Công ty than đá Yongcheng Coal, Tập đoàn Điện lực Electricity Holdings, Công ty Sản xuất chíp Tsinghua Unigroup, Tập đoàn Brilliance Auto Group Holdings…

Điều đáng nói phần lớn các doanh nghiệp nói trên thuộc sở hữu Nhà nước được sự hậu thuẫn của các chính quyền địa phương. Điều này làm dấy lên lo ngại chính quyền địa phương không còn đủ khả năng bảo lãnh hay kiểm soát được tình trạng nợ của các công ty này.

Fitch Ratings cho rằng các DNNN Trung Quốc đang yếu kém và ít quan trọng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao vỡ nợ trong thời gian tới vì sẽ khó nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Đó là các DNNN trong các lĩnh vực hiện bị dư thừa công suất, hoặc thương mại...

Tình trạng vỡ nợ ở Trung Quốc trong năm 2020 là đáng báo động vì đó là vỡ nợ của các DNNN. Chính phủ Trung Quốc dường như buông xuôi, không còn đủ sức giải cứu toàn bộ như trước. Điều này đe dọa ổn định thực sự của thị trường tài chính Trung Quốc.

Rủi ro tiềm ẩn lớn

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) thì tổng nợ trong nước của Trung Quốc đã tăng lên 335% của GDP trong quý III/2020 so với 303% GDP đầu năm 2019.

Đáng chú ý, đa phần nợ trong nước thuộc về các định chế tài chính do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát. Trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền địa phương Trung Quốc dựa vào việc vay mượn ngoài bảng quyết toán thông qua cái gọi là công cụ tài chính chính quyền địa phương (LGFV) để huy động vốn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Những khoản nợ theo kiểu này là loại nợ bị che đậy. Chính quyền trung ương đang nỗ lực buộc chính quyền địa phương chuyển các LGFV sang trái phiếu địa phương để có được sự minh bạch hơn.

Dữ liệu nợ ở Trung Quốc được cho là rất thiếu minh bạch, đặc biệt là các thông tin về việc sử dụng các khoản vay. Khoản nợ bị che đậy này được Standard & Poor ước tính tăng mạnh lên 40.000 tỷ NDT (5,6 nghìn tỷ USD, bằng khoảng 40% GDP Trung Quốc.
Việc khuyến khích vay và thường dùng lĩnh vực bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn làm động lực tăng trưởng kinh tế là một khẩu vị chính sách ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tăng trưởng chậm lại do thương chiến với Mỹ và COVID-19, thì khả năng trả nợ trong nền kinh tế cũng sụt giảm, làm mất cân đối hệ thống tài chính và ngân hàng, tạo nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Kỳ II: Chính phủ có buông xuôi?

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc lại "ngang ngược" không coi ai ra gì

    06:40, 04/12/2020

  • Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ Trung Quốc

    05:30, 04/12/2020

  • Đã rõ lập trường của Joe Biden về vấn đề Trung Quốc?

    11:40, 03/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc: Kỳ I- Nguy cơ khủng hoảng tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO