Nợ xấu có nguy cơ biến xấu
Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 cho phép các NHTM được giãn lộ trình trích lập dự phòng rủi ro 3 năm, tới năm 2023.
Thế nhưng, rủi ro của các khoản nợ vay theo phân loại nợ được quy định bao gồm các khoản được cơ cấu lại, đang tăng lên.
Nợ xấu tăng lên
Trong quý 1/2021, phần lớn các ngân hàng đều ghi lợi nhuận tiếp tục tích cực, nợ xấu tăng nhẹ không đáng kể. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BOS, tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 4,5% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.
Những ngân hàng có nợ xấu tăng cao phải kể đến ACB (60,5%), Vietcombank (47,2%), MB (28,8%), HDBank (20,3%), NamABank (19,2%)... Trong đó, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro bao nợ xấu của các ngân hàng cũng có dấu hiệu giảm mạnh.
Công ty Chứng khoán BOS nhận định, việc NHNN cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên.
Chất lượng nợ suy giảm
Trong 4 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê (GSO), đã có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong cùng kỳ, cả nước có 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 17,5% so với cùng kỳ về số lượng.
Phân tích số liệu của GSO, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho biết: Thứ nhất, để một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động thông thường phải mất 3-5 năm mới có thể hoàn vốn đầu tư và bắt đầu có lãi, đó là nói trong điều kiện kinh doanh bình thường, thuận lợi. Thứ hai, số doanh nghiệp phá sản và giải thể đang tăng cao hơn, cho thấy khó khăn của doanh nghiệp. Và số lượng này dự báo sẽ còn tăng do đợt COVID-19 thứ tư đang diễn ra.
“Nhiều dấu hiệu cho thấy các đợt sốt đất cục bộ đã “xì bong bóng” ở nhiều địa phương, kèm theo là nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng vướng vòng lao lý. Nhiều khoản nợ được thế chấp bằng cổ phiếu của một số doanh nghiệp mà hiện nay định giá đã không còn bao nhiêu, như trường hợp BIDV phải giảm giá khoản nợ rao bán có thế chấp cổ phiếu NEM; hay VietinBank rao bán cả nợ vay tiêu dùng chưa từng có tiền lệ… Tất cả điều đó đang phản ánh rằng chất lượng các khoản nợ rất cần được đánh giá lại”, ông Hoàn nói.
Có thể bạn quan tâm