Những ngân hàng nào vừa được nới room tăng trưởng tín dụng?

LÊ MỸ 15/07/2021 16:01

Kiến nghị của 10 ngân hàng xin nới room tăng trưởng trong tháng 6/2021 đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét và có văn bản chấp thuận vào 14/7.

Theo nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp, các ngân hàng được nới room tăng trưởng tín dụng trong kỳ xét nới hạn mức này, sau đợt cấp chỉ tiêu cả năm, chưa thể đạt kỳ vọng như chính các ngân hàng mong đợi; nhưng mức nới trong tổng thể chung của hệ thống khá rộng.

VPBank là ngân hàng

VPBank là tổ chức "sáng đèn" nhất nhì nhóm ngân hàng trên TTCK hôm nay nhờ có nhiều tin tích cực (ảnh: giao dịch tại VPBank)

Điển hình một số ngân hàng được cấp room tăng trưởng tín dụng lần 1 ở mức khoảng 8,5% nay đã được lên 12,5%; những ngân hàng được cấp room trước từ 10,5-12% cũng được xem xét nới lên trong khoảng 14-15%.

VIB, ngân hàng đầu tiên hoàn thiện 3 trụ cột Basel II từ room tăng trưởng tín dụng 8,5%, đã được nới lên thành 12,1%. MBBank có room tăng trưởng tín dụng giao lần 1 là 10,5%, đã được ngân hàng sử dụng kha khá qua hạn mức, cũng được nới lên 15%. Theo ghi nhận thì 4,5% là mức room được nới cao nhất/ tổ chức tín dụng trong kỳ xem xét hạn mức này.

Vietcombank, với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 gần đạt 9,8% trên hạn mức được giao đầu năm là 10,5%, cũng có tên trong danh sách nới room kì này với mức điều chỉnh khá cao tới 14%. Đây vẫn đang và có lẽ sẽ là hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất của một TCTD thuộc nhóm Big4. 

Có thể thấy hầu hết các TCTD được nới room tăng trưởng tín dụng lần này, hầu hết là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng được cấp tín dụng cũng nằm trong nhóm tiên phong giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong suốt thời gian từ khi xảy ra đại dịch tới nay, cũng như đợt "vận động" hạ lãi suất gần đây từ cơ quan quản lý. 

Trước đó, theo yêu cầu của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với 16 TCTD để đi đến đồng thuận hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là đợt đồng thuận hạ lãi suất tự nguyên, các TCTD muốn thực hiện sẽ phải đi đến cam kết hy sinh lợi nhuận, tức giảm lãi suất vay, thu hẹp biên chênh lệch giữa giá huy động đầu vào và lãi cho vay đầu ra, do NHNN không có đợt can thiệp lãi suất điều hành và thực tế lãi suất huy động cũng đã về mức quá thấp - khó giảm thêm nếu muốn giữ sức hút tăng trưởng huy động tiết kiệm trong hệ thống. Theo đó, để các ngân hàng thực thi cam kết hi sinh lợi nhuận hỗ trợ giảm lãi vay cho doanh nghiệp, việc xét nới room tăng trưởng tín dụng là tất yếu khi các TCTD đi đầu trong kế hoạch giảm lãi tới đây, đều đã "tiêu" gần hết room được giao.

Ngay sau thông tin NHNN chấp thuận nới room tăng trưởng tín dụng mới cho nhiều nhà  băng, cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trên thị trường. Đáng chú ý trong đó, VPBank, cái tên được cho là cùng với MBBank có hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới cao, đồng thời có thông tin đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu lên tới 80%.  Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên 45.000 tỷ đồng. Nhờ đó, cổ phiếu VPB của VPBank chốt phiên đã tăng 4,1% lên 64.000đ/cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành có lợi nhuận chiếm 43% tổng lợi nhuận của VN30 trên thị trường đồng loạt "khởi nghĩa", đã góp sức đưa thị trường chứng khoán có một phiên khởi sắc sau chuỗi ngày ảm đạm tụt dốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp

    Cần cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp

    05:30, 15/07/2021

  • Năm thứ 2 liên tiếp, OCB vào Top 10 Ngân hàng uy tín tại Việt Nam

    Năm thứ 2 liên tiếp, OCB vào Top 10 Ngân hàng uy tín tại Việt Nam

    15:45, 15/07/2021

  • Cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, công ty chứng khoán

    Cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, công ty chứng khoán

    16:25, 14/07/2021

LÊ MỸ