Nợ xấu nội bảng tăng cao, ngân hàng ráo riết rao bán nhiều khoản nợ

ĐÌNH ĐẠI 05/12/2022 04:30

Trong bối cảnh tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng 28,4% so với đầu năm, nhiều ngân hàng lớn đang ráo riết rao bán các khoản nợ.

>>>Nguy cơ tăng nợ xấu

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tây Sài Gòn đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Sản xuất nhựa Triệu Du Bổn. Cụ thể, tính đến ngày 25/11/2022, khoản nợ có giá trị là trên 211 tỷ đồng bao gồm dư nợ gốc gần 194 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 17,5 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng cao, nhiều ngân hàng ráo riết rao bán các khoản nợ.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng cao, nhiều ngân hàng ráo riết rao bán các khoản nợ.

Tài sản bảo đảm khoản nợ bao gồm Quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất rộng hơn 10.400m2 tại Lô 15-17, đường số 1, KCN Tân Tạo, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân, TP.HCM; máy móc thiết bị ngành nhựa; 6 xe ô tô tải; 200.000 cổ phần công ty, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và hàng tồn kho. Giá khởi điểm được BIDV đưa ra cho khoản nợ này bằng tổng dư nợ tính đến ngày 25/11 là hơn 211 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Nhựa Triệu Du Bổn được thành lập năm 2000, do ông Triệu Du Bổn làm người đại diện theo pháp luật. Công ty có trụ sở chính tại Lô 15-17, đường số 1, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Công ty chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng ống nhựa PVC mềm dùng chủ yếu cho ngành tưới tiêu (ống tưới), ống cổ trâu, các loại ống có kích cỡ khác nhau được đáp ứng cho nhu cầu dùng làm ống dẫn cho sản xuất, xây dựng và trong gia đình, màng PVC dùng trong định hình, ly nhựa PP sử dụng 1 lần, màng nhựa 3 lớp CPP, MCPP và màng phức hợp 9 lớp PA/PE.

Trước đó, vào hồi đầu tháng 11, BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 486 tỷ đồng của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam, trong đó, dư nợ gốc là 347,2 tỷ đồng, dư nợ lãi là 138,85 tỷ đồng. Khoản nợ này được ngân hàng chào giá khởi điểm 348,3 tỷ đồng, chỉ tương đương nợ gốc và giảm 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: 63 (tầng 1) Pastuer, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM; 12 Bất động sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Phường An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: 102 Trần Quốc Toản, P.7, Quận 3, TP.HCM; Và hàng tồn kho.

Hồi đầu tháng 10, BIDV cũng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ KCN Chơn Thành, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là tài sản của Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC thế chấp tại BIDV để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng.

Cụ thể, tài sản bao gồm quyền sử dụng 1 ha đất khu công nghiệp, có thời hạn sử dụng đến ngày 1/1/2054; tài sản gắn liền với đất là Nhà máy Xi măng DIC Bình Phước gồm kho clinker, kho xi măng, nhà nghiền xi măng... cùng nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của Nhà máy.

Được biết, cuối tháng 7/2022, BIDV lần đầu rao bán khoản nợ này với mức giá khởi điểm 31,85 tỷ đồng. Tại lần đấu giá này, mức giá bán vẫn được giữ nguyên. Giá khởi điểm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua, sở hữu tài sản đấu giá như chi phí chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, tháo dỡ, di dời, vận chuyển, bảo vệ tài sản...

BIDV lưu ý đây là những tài sản đã qua sử dụng, được bán đấu giá đồng thời, không bán tách rời. Tài sản được bán theo hiện trạng thực tế tài sản. Người đăng ký tham gia đấu giá đã được tạo điều kiện xem tài sản và tự chịu trách nhiệm khi quyết định mua tài sản.

>>>Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm

Tương tự, một khoản nợ có giá khởi điểm hàng nghìn tỷ đồng cũng vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) rao bán. Cụ thể, Vietcombank Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM) thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam theo hình thức bán đấu giá hoặc thỏa thuận, với giá khởi điểm hơn 1.184 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là các thửa đất ở KCN VSIP II và KCN Việt Nam – Singapore (huyện Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đây là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhà xưởng; hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại các nhà máy của công ty Evergreen Việt Nam…

Hay như mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Sài Gòn cũng đã có thông báo lần 2 bán đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Nông dược H.A.I (DN thuộc Tập đoàn FLC). Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, thửa đất số: 90,93; tờ bản đồ số 27 tại địa chỉ 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 3.048 m2. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng). Thời hạn sử dụng là 50 năm, kể từ ngày 24/1/2008. Agribank chào giá khởi điểm cho tài sản trên là hơn 190 tỷ đồng.

Được biết, trước đó, ngân hàng này từng bán đấu giá mảnh đất này trong cuối tháng 9 với giá khởi điểm gần 220 tỷ nhưng không thành công. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá khởi điểm của tài sản này đã giảm gần 30 tỷ, tương đương gần 14%.

Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129.800 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.

Cũng theo thống kê trên, có 14 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) trong 9 tháng qua trong khi 13 thành viên còn lại cắt giảm tỷ lệ này. Dù tỷ lệ LLR giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 19 điểm %), Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ này với 402%. Điều này có nghĩa, với mỗi đồng nợ xấu, Vietcombank có tới 4,02 đồng dự phòng.

Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 9 đã được nâng lên 250%, thay vì mức 180% cuối năm 2021. Tại BIDV, tỷ lệ này hiện đang là 214%, tại MBB là 208%, BacABank là 190%,…Trong số 27 ngân hàng trong nhóm khảo sát, hiện đã có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%.

Theo giới chuyên gia, với tỷ lệ LLR cao, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng như an toàn của ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả trong trường hợp xấu nhất là tất cả nợ xấu trở thành không thu hồi được, vì ngân hàng đã có dự phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, tỷ lệ LLR cao cũng cho phép ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng, hoàn nhập và thúc đẩy lợi nhuận gắn với kết quả xử lý nợ xấu trong các năm tiếp theo mà không làm giảm chất lượng tài sản của ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần chấp nhận nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp như một phần… “cuộc chơi”

    Cần chấp nhận nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp như một phần… “cuộc chơi”

    04:00, 10/10/2022

  • Nguy cơ tăng nợ xấu

    Nguy cơ tăng nợ xấu

    04:00, 04/09/2022

  • Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm

    Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm

    05:10, 22/08/2022

  • Lợi nhuận HDBank 6 tháng đầu năm vượt 5.300 tỷ đồng, nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%

    Lợi nhuận HDBank 6 tháng đầu năm vượt 5.300 tỷ đồng, nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%

    19:06, 29/07/2022

  • Điểm tựa nào thúc đẩy giải phóng nợ xấu cho ngân hàng?

    Điểm tựa nào thúc đẩy giải phóng nợ xấu cho ngân hàng?

    05:00, 16/07/2022

ĐÌNH ĐẠI