Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm

DIỄM NGỌC - ẢNh: QUỐC TUẤN 22/08/2022 05:10

Theo TS. Cấn Văn Lực, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả không cao, nên cần xây dựng giải pháp đặc thù cho việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.

>>Điểm tựa nào thúc đẩy giải phóng nợ xấu cho ngân hàng?

Nguy cơ nợ xấu “phình” to

Mặc dù liên tục báo lãi trong nửa đầu năm, nhưng đến nay các ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ về nợ xấu trong tương lai, do đó sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, kéo theo thách thức về tăng trưởng lợi nhuận. 

Nợ xấu nếu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế

Nợ xấu nếu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế

Theo thống kê của FiinGroup, tính đến hết 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận 120.938 tỷ đồng tăng 20%, riêng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 40% lên hơn 62.316 tỷ đồng, chiếm 51,5% trên tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,84% thời điểm đầu năm lên 2,13%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 113% lên 118%. 

Ví dụ, ngân hàng NCB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vọt tăng từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022. Trong đó, các nhóm nợ đều tăng khá mạnh, đặc biệt nhóm nợ xấu nhất là nợ nhóm 5 tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.

Hay ngân hàng VietinBank ghi nhận con số nợ xấu tuyệt đối ở mức cao, tới 16.650 tỷ đồng nợ xấu, tăng 33,4% sau 6 tháng đầu năm 2022; trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 128%.

Các ngân hàng khác như VIB, ACB và TPBank cùng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng trên 50%. Cao nhất là VIB ghi nhận nợ xấu nhóm 5 là 2.210 tỷ đồng (tăng 68%), ACB ở mức 2.190 tỷ đồng (tăng 59%) và TPBank ghi nhận 448 tỷ đồng (tăng 51%).

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nợ xấu nếu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, thậm chí cái giá phải trả còn lớn hơn rất nhiều. Có ý kiến cho rằng, nếu không dùng Ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu thì rất khó khơi thông được dòng tài chính đang bị tắc nghẽn và tình trạng này sẽ còn kéo dài trong 5-7 năm tới.

Tuy nhiên, điều kiện Ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn Ngân sách nhà nước mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chẳng hạn như cấp 2.000 tỷ đồng cho VAMC hoạt động để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của NHNN.

Mục tiêu của quản lý nợ xấu tại mỗi ngân hàng và các thời điểm khác nhau là khác nhau. Tuy nhiên theo cách chung nhất thì mục tiêu của quản lý nợ xấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào và đối với bất kỳ ngân hàng nào thì đó là việc phải xây dựng và thực thi một hệ thống quản lý, theo dõi, đánh giá phù hợp với tình hình hoạt động và định hướng của ngân hàng. Nghiên cứu rõ danh mục nợ xấu và nguyên nhân nợ xấu sẽ giúp ngân hàng có những biện pháp, cách thức xử lý hiệu quả, đồng thời chính sách sàng lọc khách hàng phù hợp với từng thời kỳ sẽ hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro không thể thu hồi được của các khoản cho vay mà không ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng.

>>Hết cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ xấu sẽ ra sao?

Cần giải pháp đặc thù

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng khi ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30/6 và NHNN không gia hạn.

Nền kinh tế phục hồi tốt lên, thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng sẽ hy vọng khá lên

Nền kinh tế phục hồi tốt lên, thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng sẽ hy vọng khá lên

Hiện nay, nợ xấu nội bảng đang ở mức 1,5%, còn nợ xấu gộp đã và đang giảm nhẹ. Cuối năm 2021, NHNN công bố con số này khoảng 6,3%, còn năm nay khoảng dưới 5%, cũng chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực.

“Không thể phủ nhận rằng, còn có những doanh nghiệp vẫn khó khăn dẫn đến nợ xấu ở một số tổ chức tín dụng đã và đang tăng cao. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng phải chủ động trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức khoảng 165%, nghĩa là có 1 đồng nợ xấu, thì có 1,65 đồng dự phòng để xử lý.

Trong bối cảnh những khó khăn, bất định do dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị diễn ra, cần thiết phải luật hoá Nghị quyết 42 tránh tạo ra khoảng trống lớn về pháp lý, gây khó khăn trong xử lý nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, dù ở các nước không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh; tính hiệu lực, hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả không cao, nên cần xây dựng giải pháp đặc thù. Qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.

Về phía các ngân hàng, từ nay đến cuối năm, đối với hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại được phân bổ, phải có sự sàng lọc, tính toán thận trọng để cho vay trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm. Điểm đáng mừng là nền kinh tế phục hồi tốt lên, thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng sẽ hy vọng khá lên.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC lý giải, quá trình triển khai thực hiện ở bộ ngành, hoặc một số địa phương phát sinh những vấn đề như:

Thứ nhất, Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng như VAMC xử lý tài sản đảm bảo thì ưu tiên số tiền thu hồi nợ đó để thu hồi, tuy nhiên còn vướng về thuế. Nếu không đóng thuế sẽ không chuyển tên được dự án, không cấp được sổ đỏ,... Dù phía Bộ Tài chính, hay ngành Thuế đã có hướng dẫn nhưng ở các địa phương hiểu khác nhau, dẫn đến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, Nghị quyết 42 có nêu những tranh chấp về dân sự thông qua các hợp đồng tín dụng về vay vốn được áp dụng theo thủ tục rút gọn tại tòa. Song trên thực tế, việc áp dụng tại tòa còn có những vướng mắc, cụ thể là khi có tình tiết mới, tất cả thủ tục rút gọn chuyển sang thủ tục thông thường nên bị kéo dài và mất nhiều thời gian.

Có thể thấy, ngân hàng thương mại là doanh nghiệp đặc biệt trong nền kinh tế, đo đó, nợ xấu của ngân hàng thương mại có ảnh hưởng rất lớn, gián tiếp thông qua mối quan hệ hữu cơ: ngân hàng - khách hàng - nền kinh tế. Qua đó, nợ xấu tác động tới khả năng khai thác, đáp ứng vốn và khả năng cung ứng các dịch vụ ngân hàng sẽ bị hạn chế khi nợ xấu phát sinh.

TS. Cấn Văn Lực cũng nêu quan điểm: “Trong bối cảnh hiện nay, hơn hết vẫn là mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế. Vì kinh tế tăng trưởng thì nợ xấu mới giảm được. Nền kinh tế hoạt động tốt và hiệu quả thì doanh nghiệp cũng làm ăn được, không có nợ xấu. Trong đó, Nghị quyết 42 cần phải đi kèm với chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, như vậy, mới giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh thì lúc đó doanh nghiệp mới làm ăn hiệu quả, không còn nỗi lo nợ xấu phình lên”.

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm tựa nào thúc đẩy giải phóng nợ xấu cho ngân hàng?

    05:00, 16/07/2022

  • Nghệ An loay hoay với “tàu 67” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

    03:50, 05/07/2022

  • Hết cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ xấu sẽ ra sao?

    05:15, 29/06/2022

  • “Giải cứu” nợ xấu bất động sản

    12:03, 24/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán nợ xấu giai đoạn cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO