Doanh nghiệp và Ngân hàng nói gì về việc tiếp cận tín dụng hiện nay
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ Và Vừa Việt Nam (DNNVV), tất cả các chính sách hỗ trợ hầu như đã triển khai nhưng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn rất khó.
>> NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay
Doanh nghiệp và Ngân hàng còn "khó" gặp nhau
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch HH DNNVV Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hiểu những khó khăn của giai đoạn hiện nay và Việt Nam đang giữ được ổn định ở mức độ như hiện nay là quá tốt, đặc biệt là ổn định về giá trị của đồng Việt Nam, bởi nếu VND càng mất giá thì doanh nghiệp càng khó khăn.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” do NHNN tổ chức, ông Thân cho rằng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, mỗi bên phải cùng chia sẻ thì mới có thể đạt đến thành công, nếu để ngân hàng gồng gánh hoặc doanh nghiệp chịu lãi vay quá cao thì cả hai đều "nguy hiểm".
"Chúng ta đang ở mức rất thấp về khả năng tiếp cận tín dụng. Nên chăng NHNN đề nghị Chính phủ cho các điều kiện cho phép NHNN triển khai điều kiện cho vay đối với DNNVV thấp hơn. Bởi tất cả các chính sách hỗ trợ chúng ta làm hết rồi, đặc biệt là đã có chương trình hỗ trợ 2% nhưng vẫn chưa tiếp cận được. Câu chuyện ở đây muốn giúp DNNVV thì phải có đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các NHTM. Nếu các NH ko thể đột phá được, bị bó với các quy định thì tháo gỡ cho cho DNVVV về nguồn vốn là rất khó. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống, NHTM có khả năng mở ra hơn với điều kiện vay, thì phải được Chính phủ cho phép", Chủ tịch HH DNNVV Việt Nam kiến nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, đặc thù của Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên có trên 95% là các DNNVV, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó khó khăn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nói chung, cũng rất đúng với tình hình thực tế của doanh nghiệp Hưng Yên.
Bà Hà cho biết hiện nay, 1 số doanh nghiệp cần phải được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Nguyên do là kinh doanh khó khăn, tỷ suất lợi nhuận hiện không đủ trả nợ ngân hàng, sức cạnh tranh rất kém. Các DNNVV thì không dám vay, khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là không có.
>>Cần thiết đặt mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2023
Ở góc độ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoàng Minh Nhật – Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật - cho biết, Công ty làm lúa gạo, xay xát, chế biến xuất khẩu, doanh số khoảng 1.000 tỷ đồng/ năm. Theo ông Nhật, NHNN đã có chủ trương rất rõ ràng là các DNNVV ko thể thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nông sản; nhưng vấn đề mấu chốt là ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do đó khi đầu tư cho doanh nghiệp vay thì phần khả năng thu hồi vốn và phần quản lý tín dụng vay hiệu quả của doanh nghiệp, thì 2 điều này chưa gặp được nhau. Vì vậy, ông Nhật kiến nghị cái cần tháo gỡ ở đây là làm sao để các DNVVN, đặc biệt kinh doanh lúa gạo nông sản theo thời vụ, có thể "gặp được" các NH, không bị "nghẽn" chuẩn tài chính NH đặt ra.
Giải pháp của ngân hàng
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hỗ trợ vốn cho DNNVV, triển khai lãi suất cho vay theo mặt bằng mà Chính phủ, NHNN chỉ đạo đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV với mức lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều (giảm đến 50%) so với lãi suất cho vay thông thường để tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Đến nay, dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân là DNNVV tại Agribank là trên 325 nghìn tỷ đồng/hơn 20 nghìn khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân). Agribank tập trung cho vay DNNVV trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng của Chính phủ và của NHNN", ông Hùng chia sẻ.
Lãnh đạo Agribank cũng khẳng định trong giai đoạn tới, sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với khả năng đáp ứng của nguồn vốn sẵn có; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng Covid-19. Bên cạnh đó là các giải pháp khác, song song triển khai nhiều chính sách tín dụng linh hoạt, ưu đãi dành cho nhóm khách hàng DNNVV và siêu nhỏ trong tiếp cận nguồn vốn để giải quyết bài toán tài chính vốn cấp thiết của nhóm khách hàng này.
Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV - khẳng định ngân hàngnhận thức rất cao DNNVV đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. BIDV có tỉ lệ cho vay DNNVV lên đến 24% tổng dư nợ, chiếm 40% trên tổng dư nợ khách hàng khách hàng. Con số đến nay là đã cho vay dư nợ tín dụng 329 nghìn tỉ đồng trên 1,5 triệu tỷ, là con số rất lớn trong hệ thống. BIDV nỗ lực sáng tạo để quản lý dư nợ lớn nhưng đối với từng khoản vay thì nhỏ, số lượng khách hàng hiện trên 320 nghìn khách hàng DNNVV, chiếm 98% lượng khách hàng doanh nghiệp của BIDV.
Ông Phương cho hay là thời gian qua đã triển khai tích cực nhiều giải pháp để kết nối cùng doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn. Ví dụ như BIDV đã áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn, giảm còn 5% cho các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ lãi suất cho DNNVV trên 4.200 tỷ đồng. BIDV cũng chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV từ nguồn vốn của ngân hàng, với 16 gói tín dụng triển khai từ đầu năm, tổng quy mô 700 nghìn tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi phát triển kinh tế… Qua đó, tổng thu nhập đã giảm của BIDV từ năm 2022 đến nay là 5.516 tỉ, lãi suất giảm 0,5-2,5% cho các đối tượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá: Hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế . Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các NHTMNN đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối NHTM CP cho vay chiếm 47,43%, khối NHNg, NH Liên doanh, Công ty TC và NHHTX tham gia cho vay 4,52%.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc vì những nguyên nhân khách quan, chủ quan từ cả phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, đối với DNNVV, luôn là một trong 5 đối tượng ưu tiên lãi suất vay. Về mặt chính sách, hiện tại đã có 2 nghị định, 4 thông tư NHNN đều dành cho lĩnh vực DNNVV. Sắp tới NHNN chuẩn bị rà soát lại Nghị định 55 về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong đó có DNNVV, sẽ tiếp tục sửa, nới, mở theo đúng định hướng hỗ trợ phát triển của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Chính phủ. Lĩnh vực DNNVV là 1 trong những lĩnh vực cần được chính sách quan tâm nhiều hơn nữa. NHNN cũng có các định hướng tín dụng cụ thể để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 33 có sớm khơi thông "điểm nghẽn" tín dụng, trái phiếu?
03:20, 15/03/2023
“Nắn” dòng tín dụng
03:58, 06/03/2023
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng - Băn khoăn ưu đãi
17:01, 04/03/2023
Gói tín dụng 120 nghìn tỷ, lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2 điểm phần trăm
00:56, 04/03/2023