TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Cấp tập những gói tín dụng

LÊ MỸ 25/03/2023 05:15

Trong tuần này, có hai gói tín dụng rất lớn do các ngân hàng thương mại cam kết đã được tung ra.

>>Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?

Gói tín dụng 450.000 tỷ đồng

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thông tin là đã có 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, với quy mô đạt hơn 450.000 tỷ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm 2022.

Quy mô các gói tín dụng ưu đãi ngày càng lớn

Quy mô các gói tín dụng ưu đãi ngày càng lớn

Đại diện NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM - cho biết đây là chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp TPHCM phục hồi sản xuất.

Các tiêu chí của gói tín dụng ưu đãi này là lãi suất cho vay hợp lý; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay ngoại tệ (theo quy định của NHNN); cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay kích cầu đầu tư và hỗ trợ lãi suất của UBND TPHCM; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; hỗ trợ dịch vụ, phí và hạn mức tín dụng gắn với cải cách hành chính…

Vị lãnh đạo của NHNN Chi nhánh TP HCM cũng bày tỏ kỳ vọng nếu triển khai đúng mục tiêu của chương trình, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn rất lớn và thiết thực, cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ ngân hàng… Từ đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Gói tín dụng 370.000 tỷ của 4 "ông lớn"

Trong một thông tin khác, một gói tín dụng quy mô rất lớn từ bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng đã được công bố gần như đồng thời.

Quyết định hạ lãi suất

Quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN, hướng vào lãi suất chiết khấu khi NHNN cấp vốn, bơm vốn cho các ngân hàng thương mại sử dụng các tài sản đảm bảo là giấy tờ trái phiếu Chính phủ  để vay, không trực tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất tiền gửi đáng kể nhưng "nhắm trúng" lợi thế của Big 4, đang tạo hiệu ứng lan tỏa lãi suất giá rẻ

Cụ thể, các ngân hàng nhóm Big 4 sẽ triển khai các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường…, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tiết giảm chi phí. 

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi, với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Thời gian triển khai từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 30/6/2023.

>>Doanh nghiệp và Ngân hàng nói gì về việc tiếp cận tín dụng hiện nay

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, sẽ được vay lãi suất ưu đãi thấp hơn tới 1,5%/năm đối với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm đối với khoản vay bằng USD, so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn.

Trước đó, Agribank cũng chủ động hạ lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản.

Cùng quy mô và cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa công bố ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7,1% nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất kinh doanh cho khách hàng cá nhân

Cụ thể từ nay đến hết 30/6/2023, VietinBank triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng.

Chương trình áp dụng với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,1%/ năm, thời gian vay lên tới 12 tháng.

Thêm 100.000 tỷ đồng gói tín dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất đặc biệt ưu đãi cũng được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố.

Theo đó, lãi suất cho vay của Vietcombank chỉ từ 7,5%/năm với khoản vay có thời hạn cho vay dưới 3 tháng; chỉ từ 7,8%/năm với khoản vay có thời hạn cho vay từ 3 đến dưới 6 tháng; chỉ từ 8,3%/năm với khoản vay có thời hạn cho vay từ 6 tháng đến dưới 9 tháng; chỉ từ 8,6%/năm với khoản vay có thời hạn cho vay từ 9 tháng đến dưới 12 tháng; chỉ từ 8,8%/năm với khoản vay có thời hạn cho vay 12 tháng.

Khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank khi vay vốn sẽ được giảm lãi suất thêm 0,1%/năm so với lãi suất vay thông thường. Vietcombank cho biết, khách hàng có thể đến hơn 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc để được tư vấn về điều kiện tham gia chương trình.

Cuối cùng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Trong đó, BIDV dành 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh, với ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm và dành 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác. Thời gian triển khai từ nay đến hết 31/12/2023 (hoặc đến khi hết quy mô gói tín dụng), khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh, sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng; hoặc từ 8%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 12 tháng.

Các khách hàng cá nhân vay vốn để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng một trong các điều kiện về chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt trong nước hoặc quốc tế (VIETGAHP, VIETGAP, GLOBALGAP, BAP) hoặc có chứng chỉ tiêu chuẩn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong nước hoặc quốc tế (VIETGAP, GLOBALGAP, ISO 22000, HACCP, GMP, SQF)…

Đối với gói 50.000 tỷ đồng, từ nay đến hết 31/05/2023 (hoặc đến khi hết quy mô gói), khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi với kỳ hạn linh hoạt như sau: chỉ từ 7.5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng và từ 8.5%/năm đối với khoản vay từ 06 tháng đến 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất thực tế áp dụng sẽ phụ thuộc theo từng chi nhánh của BIDV.

Chờ đợi "phản ứng" của doanh nghiệp

Có nhiều điểm rất đáng nói ở các gói tín dụng “khủng” nêu trên.

Thứ nhất, quy mô rất lớn chưa từng có tính theo “gói” tín dụng được các ngân hàng thương mại đứng ra cam kết. Trước đó, trong đại dịch Covid-19, chúng ta nhớ rằng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 năm 2020 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Gói 250.000 tỷ đồng đến từ các ngân hàng thương mại và cũng đi đầu là 4 NH có vốn Nhà nước.

Bối cảnh và đặc thù của gói này là gói cho vay mới với mức lãi suất thấp, nhưng khó khăn thực tế khi vào giải ngân là khả năng tiếp cận hoặc hấp thụ được dòng tín dụng mới hỗ trợ này là rất khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc không sản xuất không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên cho dù lãi suất thấp, các doanh nghiệp có thể sẽ không phản ứng hoặc phản ứng rất yếu. 

Tại thời điểm hiện nay, sự phản ứng yếu của doanh nghiệp do nhu cầu vay vốn thấp (khá giống trước đây) và một phần do lãi suất cao (dù đã hạ nhưng vẫn từ mặt bằng cao) dẫn đến tăng trưởng tín dụng thể hiện qua 2 tháng đầu năm rất thấp. Bên cạnh đó có nguyên do từ cầu yếu khi các thị trường nhập khẩu suy yếu, doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, chi tiêu nội địa giảm. Nếu lãi suất thực sự được hạ xuống theo như gói tín dụng các ngân hàng cam kết, cộng hưởng với một số thị trường đang được kỳ vọng “kéo” nhu cầu tiêu thụ trên thế giới phục hồi như động lực mở cửa sau COVID-19 của Trung Quốc, khiến các chuyên gia kỳ vọng các gói này sẽ sớm lấy lại nhịp hấp thụ và có phản ứng tốt hơn từ doanh nghiệp.

Thứ hai, hai gói được công bố có thể có sự “trùng nhau” trong thành phần nhóm các TCTD cam kết, do đó, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, tổng giá trị nguồn vốn có thể không phải là “1+1=2”, tuy nhiên nếu cộng các gói tín dụng ưu đãi đang triển khai lẫn tín dụng thương mại thông thương, thì vẫn chưa đủ cơ sở để kỳ vọng tín dụng năm nay sẽ có tăng trưởng khá hơn 2022. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay theo các định chế dự báo, khả năng sẽ ở dưới khoảng 13%, trong khi NHNN vẫn đặt mục tiêu 14-15%. Đây có thể sẽ là chỉ tiêu linh hoạt của cơ quan quản lý nhưng với bối cảnh hiện nay, khả năng mở rộng bơm tiền để kích thích nền kinh tế mạnh tay lẫn lãi suất sẽ tiếp tục hạ xuống sâu sẽ khó xảy ra.

Một lưu ý, theo chuyên gia, đáng chú ý với gói dụng của 4 NHTM có vốn Nhà nước, thời gian đăng ký triển khai rất ngắn (khoảng 3 tháng tới giữa năm nay), trừ chương trình của BIDV. Xét theo quy mô vốn trên cơ sở tổng dư nợ các ngân hàng có, giá trị không hẳn quá cao và không thể giải ngân được, nhưng việc quy định chỉ trong thời gian ngắn, lại khó tránh làm giảm cơ hội để đối tượng thụ hưởng tiếp cận được vốn vay lãi suất ưu đãi. 

Ngoài ra, Lãnh đạo của một NHTM có hội sở ở TP HCM nhắc lại yêu cầu mới đây của Chính phủ với NHNN về việc nhanh chóng khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Ông này cho rằng khi có Nghị định sửa Nghị định số 31, chắc chắc sẽ có dòng vốn giá rẻ thực sự từ chương trình hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội được khơi thông thuận lợi hơn so với năm qua, mặc dù nhiều NHTM trong các gói cam kết như nêu cũng đã tính cả chương trình cho vay lãi suất hỗ trợ 2% này.

"Với các gói tín dụng từ chỗ nguồn ngân sách mà “trao quyền” giải ngân cho các NHTM, đến huy động nguồn lực từ chính các NHTM đang ngày càng to hơn về quy mô, rẻ hơn về lãi suất, thì doanh nghiệp, tổ chức hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân… có thể sẽ có nhiều lựa chọn để tiếp cận vốn sao cho phù hợp với điều kiện của mình", ông này nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín dụng sẽ nới thêm cho bất động sản?

    Tín dụng sẽ nới thêm cho bất động sản?

    04:50, 24/03/2023

  • Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm

    Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm

    03:50, 24/03/2023

  • Tái cấu trúcp/Quỹ bảo lãnh tín dụng

    Tái cấu trúc Quỹ bảo lãnh tín dụng

    14:51, 21/03/2023

  • Thanh lọc hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn, tín dụng hiệu quả

    Thanh lọc hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn, tín dụng hiệu quả

    11:00, 17/03/2023

  • VBF 2023: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phân bổ tín dụng hợp lý

    VBF 2023: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phân bổ tín dụng hợp lý

    16:31, 19/03/2023

  • Nghị quyết 33 có sớm khơi thông

    Nghị quyết 33 có sớm khơi thông "điểm nghẽn" tín dụng, trái phiếu?

    03:20, 15/03/2023

LÊ MỸ