Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần phải có một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm mạnh mẽ, hiệu quả và linh hoạt hơn đối với hệ thống ngân hàng…
>> Cân nhắc bỏ quy định “giám sát của quản lý cấp cao” với tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Theo đó, trong bối cảnh một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang gặp vấn đề, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và có thể lây lan sang các khu vực khác, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng được đặc biệt quan tâm. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 33/2023 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó, bổ sung vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án luật này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã soạn thảo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, điểm thay đổi quan trọng thu hút sự chú ý như: quy định một cá nhân không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ của một Tổ chức tín dụng (quy định hiện nay là 5%); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của một Tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hang; tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%;...
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết để Việt Nam đối phó hiệu quả với tình trạng căng thẳng và phá sản ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chính sách và quy trình đối với việc can thiệp sớm, phục hồi và giải quyết ngân hàng, đồng thời cần củng cố chính sách, quy trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.
>> Cẩn trọng gói tín dụng nhà ở xã hội
Chia sẻ những bài học từ khủng hoàng tài chính toàn cầu liên quan đến việc quản lý, phục hồi và xử lý các ngân hàng, ông Geof Mortlock - chuyên gia giám sát cao cấp World Bank (WB) cho biết, những cuộc khủng hoảng tài chính trong vài thập kỷ qua đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng hiện tại và việc phát triển chính sách trên toàn cầu, đồng thời cũng để lại bài học quan trọng. Khi một ngân hàng rơi vào khó khăn, việc rút tiền gửi diễn ra rất nhanh chóng, có thể gây ra sự phá sản của một hay nhiều ngân hàng, kéo theo hiệu ứng khủng hoảng của cả hệ thống tài chính.
Từ những bài học trên, ông Geof Mortlock cho rằng, các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính cần có những kế hoạch kỹ lưỡng để khôi phục trạng thái ổn định tài chính; các cơ quan giám sát cần can thiệp sớm một cách hiệu quả để hỗ trợ các ngân hàng đang khó khăn tài chính.
Nếu môt ngân hàng không thể khôi phục tình trạng ổn định tài chính, ngân hàng đó cần được xử lý một cách kịp thời. Việc phục hồi và giải quyết này cần dựa trên các mục tiêu rõ ràng được đề ra trong luật, chủ yếu liên quan đến duy trì ổn định tài chính, bảo vệ người gửi tiền thông qua các cơ chế bảo hiểm tiền gửi, tránh hoặc giảm đến mức tối thiểu nhu cầu đối với sự hỗ trợ từ Chính phủ, duy trì kỷ luật thị trường mạnh mẽ với các ngân hàng.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một khung pháp lý đối phó hiệu quả với căng thẳng hay phá sản ngân hàng đòi hỏi các yếu tố: can thiệp sớm; các kế hoạch hồi phục ngân hàng; các chính sách, quyền hạn và kế hoạch giải quyết ngân hàng; nguồn hỗ trợ giải quyết; hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng có khả năng thanh toán.
Trong đó, việc giải quyết các ngân hàng đòi hỏi lập kế hoạch kỹ lưỡng. Cơ quan giải quyết cần chuẩn bị các kế hoạch giải quyết khủng hoảng toàn diện cho tất cả các ngân hàng lớn để giảm thiểu tác động đến sự ổn định của hệ thông, giảm chi phí cho Chính phủ, tránh gây bất ổn cho người gửi tiền và những người cho vay khác. Cùng với đó, các kế hoạch giải quyết phải được kiểm tra thường xuyên.
Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi và giải quyết khủng hoảng ngân hàng một cách hiệu quả. Nhất là khi Luật Các tổ chức tín dụng còn thiếu hệ thống các mục tiêu rõ ràng về giải quyết căng thẳng tài chính ngân hàng, không định rõ thẩm quyền pháp lý đầy đủ trong vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đầy đủ, thiếu các quy định về thẩm quyền cần thiết và các biện pháp bảo vệ trong trường hợp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp hoặc trong việc chỉ định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan giải quyết.
Cho ý kiến về việc xây dựng Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần đặt trong tổng thể pháp luật Việt Nam, cần rà soát mở rộng các luật có liên quan như Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước; cần quan tâm đến việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, chú trọng các ưu tiên trong áp dụng pháp luật, thiết kế các hệ thống, cơ chế cảnh báo, xử lý sớm các biến động thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng phải bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới…
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
21:00, 14/03/2023
Cân nhắc bỏ quy định “giám sát của quản lý cấp cao” với tổ chức tín dụng phi ngân hàng
03:50, 08/03/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Ngăn ngừa sở hữu chéo
00:30, 03/11/2022
Cấm các tổ chức tín dụng cho vay để khách hàng góp vốn, hợp tác đầu tư là chưa phù hợp
03:00, 25/07/2022
Cần tăng cường tính minh bạch trong xếp hạng các tổ chức tín dụng
04:00, 14/12/2021