Được cho là giải pháp hữu hiệu giúp bình ổn thị trường vàng, tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP vẫn để lại không ít băn khoăn, đặc biệt là việc có thể tái diễn các “hệ lụy” cũ.
Theo đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP đang được gấp rút lấy ý kiến để trình Chính phủ trước ngày 15/7, với đề xuất bước ngoặt: chấm dứt cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thay bằng mô hình cấp phép có điều kiện. Và một trong những vấn đề nhận được quan tâm đó là quy định ngân hàng thương mại được tham gia sản xuất, cung ứng vàng miếng.
Cụ thể, khi bãi bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước, các doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn với ngân hàng thì phải có vốn từ 50.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, ngân hàng còn phải đáp ứng đủ điều kiện khác như có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả; hoặc có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng…
Xoay quanh nội dung này, tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa thực hiện được quan điểm đổi mới chính sách quản lý đối với thị trường vàng Việt nam theo kết luận của Tổng Bí thư và nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/05/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại mục III.2 “đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính , cơ chế xin – cho, tư duy không quản được thì cấm...”.
Theo đó, Dự thảo mới chỉ bổ sung đối tượng được tham gia sản xuất vàng miếng và một số điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng; cũng như một số quy định liên quan trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng.
“Như vậy, về thực chất Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ mới bổ sung về đối tượng và điều kiện để được tham gia sản xuất vàng miếng mà chưa xử lý giải quyết được những bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về thị trường vàng”, VGTA thẳng thắn.
Đặc biệt, liên quan đến việc bổ sung nhóm đối tượng được sản xuất, cung ứng vàng miếng gồm doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, VGTA đề nghị, không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất kinh doanh vàng miếng. Bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, ngân hàng thương mại không có chức năng nhiệm vụ sản xuất vàng; nhiệm vụ chính của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ (đặc biệt là hoạt động tín dụng) và cung ứng dịch vụ thanh toán.
“Nếu để các ngân hàng thường mại tham gia sản xuất kinh doanh vàng miếng, các ngân hàng thương mại buộc phải sử dụng nguồn vốn khá lớn (đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo tay nghề nhân công) đầu tư vào lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính; ảnh hưởng đến nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2025 - 2030 là cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nêu tại Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ …”, VGTA bày tỏ.
Đồng thời VGTA cho hay, ngoài ra, các ngân hàng thương mại không phải là Tổ chức chuyên sâu về sản xuất kinh doanh vàng và lịch sử đã chứng minh các ngân hàng thương mại sản xuất kinh doanh vàng miếng không hiệu quả giai đoạn trước 2012. Trong đó, một số ngân hàng thương mại đã để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài mà nhờ sự chỉ đạo quyết tâm hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước mới ổn định lại.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính - Bất động sản Toàn Cầu cũng cho rằng, đây là bước đi tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dẫn chứng mô hình ngân hàng tại Mỹ chỉ cung cấp dịch vụ custodial (lưu giữ an toàn), hoàn toàn không tham gia vào sản xuất hay kinh doanh vàng miếng. TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, ngân hàng nên tập trung vào chức năng cốt lõi là trung gian tài chính, cung cấp dịch vụ lưu trữ tài sản, chứ không nên trực tiếp sản xuất vàng – một lĩnh vực có độ nhạy cảm cao và từng để lại nhiều hệ lụy trong quá khứ.
Được biết, giải trình cho quy định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Việc cấp phép cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo cho thị trường vàng cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn và đã được Ngân hàng Nhà nước giải trình cụ thể tại các báo cáo, tờ trình gửi lấy ý kiến rộng rãi…