Tổng Giám đốc ACB: "3 không, 2 chậm" để bảo vệ tài khoản ngân hàng
Khâu chuyển tiền có thể xem là "chốt" cuối cùng để hoàn tất một giao dịch tài chính trực tuyến. Trước hành vi lừa đảo trực tuyến và trước khi đến "chốt chặn" này, người dùng cần "3 không, 2 chậm".
>>>Xây dựng chế tài an toàn và bảo mật giao dịch trong hệ thống thanh toán ngân hàng
Đó là quan điểm của ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi chia sẻ về việc bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng.
ACB và 3 bước: Phòng, Chống, Xử lý
Cụ thể, ông Phát cho biết, tội phạm trên không gian mạng không mới, tồn tại rất nhiều năm qua và liên tục biến hóa. Tần suất và quy mô liên tục tăng, thủ đoạn ngày càng phức tạp tinh vi hơn. Mỹ mỗi năm tổn thất hàng chục tỉ USD từ lừa đảo trực tuyến, còn Singapore từ đầu năm 2023 đến nay mất khoảng 70 triệu SGD. Thông tin mà ACB thu thập được thì trong một quý có khoảng 1,2 triệu trường hợp bị lừa, 23% trong đó liên quan đến tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng.
Ở góc độ tổ chức tài chính, ACB làm 3 việc là phòng, chống và xử lý.
Về phòng: Khi ghi nhận thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an, báo chí… ngân hàng sẽ cảnh báo, truyền thông liên tục về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên các kênh website, fanpage, Zalo, ứng dụng ACB ONE và gửi email trực tiếp đến toàn bộ khách hàng.
Ngoài truyền thông thủ đoạn lừa đảo, ACB có hướng dẫn những nguyên tắc khách hàng không nên thực hiện để đảm bảo an toàn khi giao dịch kênh ngân hàng số.
Về chống: Đây là vấn đề không hề đơn giản. Ngân hàng nghiên cứu hành vi và phối hợp với Bộ Công an, Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp phát hiện sớm.
Theo đó, nếu khách hàng lỡ click vào link mà các đối tượng lừa đảo gửi đến, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn SMS cảnh báo thiết bị của khách hàng đã đăng nhập vào link lạ. Chìa khóa cuối cùng là OTP. Trong tin nhắn OTP gửi đến khách hàng, ngân hàng có nội dung: "Đây là giao dịch chuyển tiền, nếu nhập mã OTP thì tài khoản sẽ bị trừ tiền".
Chính những giải pháp đó thời gian qua đã giúp cho các trường hợp khách hàng bị lừa đảo giảm đi, nhất là các app giả vì hiện nay khách hàng cài rất nhiều app. Ứng dụng ACB ONE có chức năng phát hiện giúp khách hàng những ứng dụng khả nghi có nguy cơ điện thoại của khách hàng bị chiếm quyền điều khiển từ xa do khách hàng bị lừa cài app giả mạo và đã có cấp quyền trợ năng.
"Để đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng, hệ thống ACB tạm khóa việc thực hiện giao dịch của khách hàng trên ứng dụng ACB ONE. Về việc xử lý khi khách hàng mất tiền: Tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi. Tuy nhiên ngân hàng phối hợp truy vết với các ngân hàng liên quan và cơ quan công an, làm hết trách nhiệm của mình", Tổng Giám đốc ACB cho biết
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh công nghệ cao áp dụng phòng chống tội phạm lừa đảo thì ngược lại hành vi sử dụng công nghệ của các đối tượng phạm tội cũng nâng cấp, do đó, cơ bản vẫn là quay trở lại vấn đề đầu tiên - phải Phòng.
>>> Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước mối nguy lừa đảo trực tuyến
>>>Cổ phiếu ngân hàng: Phòng thủ hay thúc thủ?
Phòng chống với "3 không, 2 chậm" từ khách hàng
Theo đó, ông Từ Tiến Phát cũng chia sẻ "lời khuyên" dành cho khách hàng để ứng phó với các hành vi, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ ngày càng tinh vi hiện nay.
Thứ nhất, cứ gặp link gửi đến là không click vào.
Thứ hai, không tải app nếu không có trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store.
Thứ ba, những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
Bên cạnh đó, ông Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để phòng tránh lừa đảo, cụ thể:
Thứ nhất, những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng, khách hàng nên đọc, tìm hiểu để phòng tránh.
Thứ hai, khách hàng chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại, ví dụ mã OTP để đọc kỹ nội dung.
"Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, việc chậm lại một chút, ví dụ như đọc kỹ nội dung, cảnh báo trước khi nhập mã OTP, có thể là ảnh hưởng đôi chút đến tốc độ, trải nghiệm của khách hàng, nhưng chỉ chậm khoảng 30 giây cũng sẽ không ảnh hưởng gì, mà có khi sẽ giúp được khách hàng thoát mối nguy bị lừa đảo, bị chiếm đoạt tài sản qua giao dịch trên tài khoản ngân hàng", vị Tổng Giám đốc ACB chia sẻ.
Ông cũng đề nghị cần có hành lang pháp lý xử lý nặng đối với đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng, như những bài học (case) để răn đe các đối tượng lừa đảo và tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, bởi tài khoản là thực, được mở thực nhưng lại trao cho đối tượng lừa đảo.
Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp giữa các bên nếu ngân hàng xử lý, chẳng hạn như phát hiện dấu hiệu chuyển khoản có nghi vấn cần truy vết, phong tỏa gấp, thì khi liên hệ với ngân hàng bạn, họ cũng chiếu luật và có khó khăn, chậm thời gian trong xử lý phong tỏa tài khoản.
"Từ phía cơ quan quản lý, như Bộ Công an, hễ có các dấu hiệu, cách thức, trường hợp có hành vi, dấu hiệu lừa đảo trực tuyến qua giao dịch ngân hàng, nên có thông cáo báo chí chính thức. Theo đó, ngân hàng dẫn lại để thông báo, gửi cho khách hàng, sẽ có tính cảnh báo nghiêm trọng và chính thức từ cơ quan chức năng để người dân ý thức, phòng tránh", ông Phát kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Lý do mở tài khoản ngân hàng định danh điện tử (eKYC)
10:35, 06/09/2023
Nhiều tiện lợi khi sử dụng tài khoản thấu chi HDBank trên VNPT Money
16:24, 23/08/2023
Cần đồng bộ hoá tài khoản định danh điện tử VNeID
02:05, 19/08/2023
Lượng tài khoản chứng khoán tăng vọt: Nhà đầu tư lạc quan trở lại?
14:42, 10/07/2023
Mở tài khoản giao dịch chứng khoán doanh nghiệp trên ngân hàng số VCB DigiBiz
16:40, 04/08/2023
Miễn phí hàng triệu tài khoản số đẹp cho khách
14:27, 09/08/2023