Nhìn lại biến động tỷ giá và hành động của Ngân hàng Nhà nước
Nếu nhìn rộng hơn trong một rổ các đồng tiền thì giá trị đồng VND vẫn tương đối tốt khi đa phần các đồng tiền trong khu vực đang mất giá so với VND (Trung Quốc, Thái, Nhật, Hàn, Nga).
>>>Cân bằng bài toán tỷ giá - lãi suất
Nhìn lại biến động tỷ giá tháng 9
Trong tháng 9, tỷ giá USD/VND tính đến ngày 28/09 đã tăng 3,5% so với đầu năm, đặc biệt tỷ giá tăng nhanh từ giữa tháng 8 và áp lực tỷ giá xuất hiện từ giữa tháng 9 khi giá bán USD của Vietcombank bắt đầu tiệm cận/vượt mốc 24.500VND/USD. Nguyên nhân cho việc tăng lần này chủ yếu đến từ:
Thứ nhất, đồng Đôla Mỹ tăng mạnh, chỉ số DXY trong 2 tháng gần đây đã tăng 5,5%. Chúng tôi cho rằng đà tăng của đồng DXY lần này có sự bền vững do: Triển vọng nền kinh tế Mỹ đang được các nhà phân tích cho rằng hạ cánh mềm và thoát khỏi cuộc suy thoái sắp tới; Nền kinh tế đối trọng với Mỹ là EU vàTrung Quốc đang đối mặt với khó khăn với những câu chuyện riêng như đối với châu Âu là việc giá hàng hóa leo thang, thâm hụt cán cân thương mại hay đối với Trung Quốc là câu chuyện về thị trường BĐS; Fed vẫn giữ quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt, có thể tiếp tục nâng lãi suất hoặc giữ ở mức cao này cho đến khi kiểm soát được lạm phát. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những lý do chính khiến các quỹ đầu tư rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.
Thứ hai, chênh lệch giữa lãi suất liên ngân hàng qua đêm giữa USD và VND mở rộng từ cuối quý 2 sau khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm VND giảm mạnh về dưới 0,5%/năm.
>>>NHNN hút ròng, tỷ giá chưa giảm áp lực
Thứ ba, nhu cầu USD tăng do sự rút vốn (outflows) từ một số quỹ và nhu cầu tăng đột biến từ một số doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn trong một rổ các đồng tiền thì giá trị đồng VND vẫn tương đối tốt khi đa phần các đồng tiền trong khu vực đang mất giá so với VND (Trung Quốc, Thái, Nhật, Hàn, Nga).
Hành động của NHNN
Với áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN có thể sử dụng các công cụ khác nhau để điều tiết tỷ giá như (1) phát hành tín phiếu (T-Bill) để hút thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng, qua đó tăng lãi suất liên ngân hàng qua đêm VND; (2) bán USD từ dự trữ ngoại hối để can thiệp.
Ngày 21/09/2023, NHNN bắt đầu sử dụng T-Bill để hút thanh khoản dư thừa trong hệ thống. Tính đến hết ngày 28/09 (6 phiên), đã hút thanh khoản tổng cộng 90 nghìn tỷ VND. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức rất thấp cho thấy thanh khoản trong hệ thống vẫn dư thừa (theo phân tích của một tổ chức có thể lên đến 200 nghìn tỷ trước khi NHNN phát hành T-Bill).
Đánh giá rủi ro tỷ giá
Chúng tôi cho rằng vấn đề tỷ giá sẽ ít khả năng xảy ra như năm 2022 do nguồn cung USD một phần được bù đắp bởi (1) giải ngân vốn FDI, (2) xuất khẩu mạnh và (3) kiều hối.
Dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Lũy kế 9 tháng 2023, tổng vốn FDI đã thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong quý 4 2023 khi Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới với các lợi thế cạnh tranh đặc biệt như: Giá nhân công cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực; Hệ thống chính trị ổn định; Vị trí chiến lược trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh và ngày càng hoàn thiện; Việt Nam là tối đác chiến lược và các hiệp định thương mại song phương (FTAs) với nhiều quốc gia lớn.
Chúng tôi cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư FDI có xu hướng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, góp phần làm hạ nhiệt tỷ giá trong tình hình hiện tại.
Hơn nữa, chúng tôi cho rằng tỷ giá vẫn được hỗ trợ bởi xuất nhập khẩu và kiều hối. Trong đó, dòng tiền kiều hối mạnh trong năm 2023 và đặc biệt là thời điểm cuối năm. Theo NHNN chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023, đạt 4,34 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ, bằng 66% cả năm 2022, đặc biệt trong quý 2 /2023, kiều hối đạt 2,2 tỷ USD, tăng 5% so với quý1 /2023. Theo dự báo của WorldBank trong báo cáo tháng 08/2023 về nền kinh tế Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có thể đạt 14,4 tỷ USD trong năm 2023 (mức gần tương đương so với năm 2022).
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng mùa cuối năm tại các thị trường lớn trên thế giới sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục khả quan. Chúng tôi cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì khả quan trong nửa cuối năm 2023 khi bước vào mùa cao điểm tiêu dùng của các nền kinh tế lớn và từ đó góp phần làm ổn định nguồn cung Đô la Mỹ.
Chúng tôi cho rằng mục tiêu rất ngắn hạn của NHNN đó là: Hút bớt thanh khoản trên thị trường; Giảm áp lực đầu cơ tỷ giá góp phần ổn định tỷ giá và ban hành các chính sách hạ lãi suất thị trường 1 và khơi thông tín dụng.
Hiện tại chúng ta có thể thấy, mốc 24.500VND/USD đang là mốc được NHNN bảo vệ. Mục đích can thiệp chính của NHNN trong lần này đó là giảm việc đầu cơ tỷ giá do thanh khoản dư thừa. Do đó, NHNN tiến hành hút thanh khoản về bằng việc phát hành tín phiếu.
Theo quan điểm của FIDT, NHNN sẽ hút thanh khoản cho đến khi chạm mục tiêu về tỷ giá hoặc chạm giới hạn về ưu tiên nền thanh khoản hỗ trợ kinh tế. Việc NHNN can thiệp ổn định tỷ giá ở thời điểm hiện tại là cần thiết và hợp lý. Có thể thấy, lãi suất ngắn hạn của nền kinh tế là đối tượng bị ảnh hưởng chỉnh bởi hành động của NHNN, cụ thể là các hoạt động nguồn vốn cực ngắn hạn của các Ngân hàng thương mại, giảm thiểu việc đầu cơ chênh lệch lãi suất USD/VND, giảm áp lực đến tỷ giá. Tuy nhiên để đánh giá tác động đến thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng cần phải theo dõi thêm.
Có thể bạn quan tâm
Tin tưởng vào sự ổn định tỷ giá
05:22, 23/09/2023
Tỷ giá USD bứt tốc, điều gì đang xảy ra?
05:00, 19/09/2023
Trật tự thế giới mới đè nặng lạm phát và tỷ giá
05:30, 16/09/2023
Áp lực tỷ giá và tác động tới giá vàng
11:30, 14/09/2023
Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc
09:20, 12/09/2023