Thương mại toàn cầu đang bộc lộ sự thay đổi rõ rệt, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng toàn cầu và tác động đến vấn đề lạm phát, cũng như tỷ giá của Việt Nam.
>>“Cầm cương” lạm phát để ổn định nền kinh tế
Hiện nay, thị trường tài chính đang rất quan tâm đến chỉ số lạm phát của Mỹ và chờ đón kết quả tại kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 21/9 tới. Chúng ta cũng thấy một thông tin đó là thị trường Việt Nam đã phản ứng khá tiêu cực, bởi vì chỉ số lạm phát Mỹ sau một thời gian dài đi xuống nhờ thắt chặt chính sách tiền tệ, thì từ tháng 7, tháng 8 đã có biểu hiện tăng lên.
Chưa kể, giá xăng dầu đang chiếm tỷ trọng lớn và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8, vì vậy, cuộc chiến chống lạm phát rất phụ thuộc vào giá của các nguyên liệu đầu vào.
Trước đó, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã có những mô hình tính toán, cân đối kỹ về nguồn cung và khả năng đáp ứng để làm sao giá của dầu mỏ phải ở mức tốt nhất cho quốc gia của họ. Nghĩa là tất cả các hoạt động kinh tế đều phải nhằm mục đích tốt cho quốc gia mình, vì vậy đã có hàng loạt quốc gia bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu mỗi ngày từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 và tiếp tục đến hết năm nay.
Đáng chú ý, ngay sau thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19, các chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, từ đó nảy sinh rằng, ở đâu thiết lập được chuỗi cung ứng mới tốt hơn thì các trật tự thế giới mới cũng được thiết lập.
Theo Bloomberg đánh giá, xu hướng này ngày càng gia tăng và chiếm xu hướng lớn trên thế giới. Như vậy việc sản xuất sẽ không ở những nơi có chi phí rẻ, mà thuộc về những nơi có cùng lợi ích kinh tế và chính trị. Không chỉ chi phí sẽ tăng lên, mà còn dẫn đến việc tự do thương mại bị hạn chế. Hiện tượng một số quốc gia cố gắng bảo vệ nền kinh tế của mình bằng cách giảm số lượng nhập khẩu và đầu tư từ các quốc gia khác đang là xu hướng chính sau đại dịch.
Bên cạnh đó, có một số thông tin cho thấy, thị trường Nga đã tạm dừng xuất khẩu gạo hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng vọt. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều người sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu gạo để đầu tư.
Hay gần đây, Trung Quốc cũng yêu cầu một số công ty tạm dừng xuất khẩu phân urê khiến giá phân bón tăng vọt; các cổ phiếu về phân bón đã tăng trần ngay trong ngày Trung Quốc công bố thông tin này. Cụ thể như DPM và DCM là hai doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực xuất khẩu phân urê.
Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ rất khó có thông tin một cách hệ thống để có chiến lược đầu tư lâu dài, vì chúng ta không thể biết các quốc gia sẽ cấm những gì trong thời gian nào. Song, cũng có một xu hướng chung có thể quan sát đó là, theo chỉ số Commodity Index của Goldman Sachs và S&P, giá hàng hóa trên thế giới cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng và xu hướng bảo hộ nền sản xuất trong nước đang tăng mạnh trở lại.
Khi giá cả tăng mạnh thì sẽ có nguy cơ gây ra làn sóng lạm phát. Ngoài việc bảo hộ lợi ích của các quốc gia, họ còn có xu hướng đi theo từng khối, từng chuỗi, đây là nguyên nhân lý giải cho việc tại sao gần đây có nhiều hoạt động nâng cấp ký kết đối tác chiến lược toàn diện, hay đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh ở các nước.
>>Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc
Từ các vấn đề trên, chính sách tiền tệ Việt Nam cũng sẽ bị một phần ảnh hưởng, đó là tăng trưởng thương mại toàn cầu bị suy giảm.
Thứ nhất, đơn hàng sụt giảm do kinh tế kém, nhu cầu thế giới giảm; Thứ hai, nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu; và Thứ ba, quốc gia nào cũng có xu hướng tác động vào thị trường nội địa bằng cách bảo hộ thương mại, bảo vệ hàng nội địa trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và xu hướng thương mại theo khối, để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xu hướng này sẽ gây mức độ ảnh hưởng rộng hơn, cụ thể, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 sẽ nằm dưới mức trung bình so với giai đoạn từ 2010-2022. Nếu các quốc gia chỉ tập trung vào lợi ích của quốc gia mình, hạn chế xuất nhập khẩu thì điển hình là xuất nhập khẩu của các quốc gia thuộc nhóm G20 bắt đầu sụt giảm từ quý 2/2023.
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì động lực lớn nhất của thế giới trong 10 năm trở lại đây chính là thương mại tự do giữa các quốc gia. Chính sách bảo hộ thương mại cũng mang đến hai mặt: Một là bảo đảm nguồn cung nội địa ổn định, giá nội địa bảo vệ doanh nghiệp trong nước; Nhưng mặt còn lại là gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm giao thương quốc tế và cô lập kinh tế.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, thì biến số chúng ta cần quan sát trong đầu tư gồm: Một là lạm phát, khi giá hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, lãi suất.
Tại kỳ họp sắp tới của Fed vào ngày 20-21/9 tới đây, trên thị trường có 97% tin Fed sẽ giữ nguyên lãi suất và chỉ 3% cho rằng Fed tăng 0,25 điểm phần trăm. Mọi người kỳ vọng Fed sẽ giữ mức lãi suất cao đến tháng 3/2024, nhưng sau sự kiện công bố lạm phát vừa qua, thì có thể họ sẽ kéo dài mức lãi suất đến tháng 5/2024.
Trong hội nghị thường niên của Fed tại Jackson Hole (Mỹ), Chủ tịch Jerome Powell chia sẻ rằng ông đang cố gắng cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và tránh đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Powell thừa nhận đã có tiến triển về lạm phát, nhưng lạm phát vẫn còn cao hơn vùng mà Fed cảm thấy thoải mái. Ông cũng lưu ý Fed sẽ linh hoạt khi suy tính cho những bước đi kế tiếp, nhưng sẽ khó có thể sớm nới lỏng chính sách.
Hai là, thực tế các xác suất đánh giá có thể thay đổi, nhưng rõ ràng việc giữ lãi suất cao sẽ gây sức ép đến tỷ giá của Việt Nam trong thời gian dài. Nếu chúng ta muốn một chính sách tiền tệ độc lập, thì cơ quan quản lý Nhà nước cần phải kiểm soát không để luồng vốn ra vào thường xuyên và câu chuyện tỷ giá.
Đặc biệt khi nhìn vào thị trường, nhà đầu tư cần nhìn thêm một yếu tố đó là Việt Nam rất phụ thuộc vào quốc tế, do đó chúng tôi cho rằng, biến số quan trọng trong thời gian tới để quyết định đầu tư chính là lạm phát và tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm
02:04, 08/08/2023
11:30, 06/08/2023
04:00, 18/07/2023
11:16, 30/06/2023
16:00, 13/07/2023