Lãi suất rẻ đã thẩm thấu?
Lãi suất đã điều chỉnh giảm về mức rẻ so với mặt bằng cao trước đây, nhưng sự thẩm thấu thì vẫn chờ thị trường… vào mùa.
>>>Lo tín dụng “lỗi hẹn” mục tiêu
Trước thực trạng nói trên, cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng hấp thụ vốn vay, tăng động lực mạnh dạn “tiêu tiền hiệu quả”.
Lãi suất đã rẻ
Rẻ ở đây là so với thời kỳ lãi suất cao năm 2022, đặc biệt ở giai đoạn đỉnh khi lãi suất huy động cao nhất với kỳ hạn dài đã leo lên trên mốc 12%/năm. Theo đó, doanh nghiệp phải vay với lãi suất lên tới 14 - 16%/năm, thậm chí cao hơn.
Hiện nay, tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động khoảng 5,9%/năm, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại khoảng 12.900 nghìn tỷ đồng, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.
NHNN thậm chí nêu rõ, vào thời điểm năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%/năm. Như vậy, so với mốc hiện nay, lãi suất huy động thực sự đã về mức thấp hơn năm ngoái khoảng 1,78%. Đó là xét về mặt bằng chung, còn xét trên thị trường các trường hợp khu biệt lãi suất huy động kỳ hạn dài với giá trị lớn năm ngoái có thể lên đến 13%/năm. Nhưng trong năm nay không còn mức lãi suất huy động nào quá 8%/năm (trừ những khoản 24-36 tháng của năm ngoái vẫn chưa đáo hạn).
>>>Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều
Trong kỳ họp Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết lãi suất đã giảm 1 - 1,3%, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%/năm, vay trung hạn là 5,8-10%/năm. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%/năm, nên độ trễ hiện nay theo sự tính toán của chúng tôi xác định thì khoảng từ 9-12%/năm.
Với nhiều người (doanh nghiệp và người dân), lãi suất 9-12%/năm vẫn cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Tại các kỳ họp kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị NHNN làm sao để lãi suất cho vay về khoảng 8%/năm. Kỳ vọng này là hợp lý trong điều kiện kinh doanh chung, đặc biệt khi trong nhiều năm qua lãi suất của Việt Nam luôn cao hơn so với nhiều quốc gia, khiến chi phí vốn luôn phải chịu cao hơn, làm giảm điều kiện cạnh tranh giá và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhưng lại phải nói thêm rằng trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng lãi suất giảm thêm từ mức hiện hành đang cho vay trong hệ thống khoảng 9%/năm, là quá khó. Bởi chúng ta biết lãi suất FFR của FED đã trên 5,25%. Ở góc độ lãi vay ngoại tệ ở Việt Nam khó có thể xuống dưới 6%/năm.
Với lãi vay tiền đồng, chưa tính lạm phát, chỉ tính từ mặt bằng huy động 5,9%/năm + biên độ mỏng khoảng 3%, thì rõ ràng dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay là rất khó.
Cần tăng hấp thụ vốn vay
Lãi suất rẻ so với chính mặt bằng lãi suất cao, khi chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn đang thắt chặt, vẫn phải nhấn mạnh khác với tiền rẻ - tiền dễ. Và đây mới là yếu tố khiến dù các ngân hàng rất muốn đẩy vốn cho vay với mức lãi suất đã điều chỉnh như hiện nay, nhưng việc thẩm thấu vẫn không dễ dàng.
Theo đại diện NHNN, ngành ngân hàng đã xác định đẩy mạnh việc tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp giải thể để giúp họ sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là sau 2 năm chống dịch cộng với tác động kép từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Thông qua 11 giải pháp lớn, từ đầu năm đến nay, có thể nói, các chính sách của NHNN đều hướng về tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và sẵn sàng cung ứng; nếu có khó khăn, vướng mắc, sẵn sàn ngồi lại để tháo gỡ.
Tuy nhiên, điều đầu tiên cần phải nói rằng nếu lãi suất là giá, thì tiền muốn tiêu cần phải có nhu cầu tiêu. Tiền từ ngân hàng là giá vốn vay, là nợ, các bên muốn tiêu thì phải có nhu cầu vay, tiêu cho việc gì, khả năng trả nợ ra sao… Nói ngắn gọn, cho dù giá vốn vay rẻ hơn, thì nhu cầu hấp thụ không chỉ phụ thuộc yếu tố đó, mà nhiều hơn là phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh doanh, nhìn thấy khả năng tạo doanh thu từ nguồn vay.
Do đó, mọi giải pháp nên chăng cần hướng đến là hỗ trợ doanh nghiệp tăng hấp thụ vốn vay, tăng động lực mạnh dạn “tiêu tiền hiệu quả”. Chẳng hạn ở xuất khẩu, cần có chính sách hỗ trợ khai thác, tìm kiếm thị trường mới, như tăng ngân sách thúc đẩy giao thương, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Trong nước, chính sách giảm thuế VAT 2% đang được đánh giá cao. Việc hỗ trợ nới rộng thuế thu nhập cá nhân sớm sẽ giúp người dân có tiền, tăng sức mua tiêu dùng, qua đó Nhà nước cũng có nguồn thu thay vì chỉ trực thu thuế TNCN…
Nhiều định chế đã dự báo tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm nay sẽ vào khoảng 11-12%. Với mức tăng trưởng đạt hơn 6,9% hiện nay, mức lãi suất rẻ và tín hiệu phục hồi sản xuất kinh doanh liên tiếp từ tháng 8, 9 vừa qua, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng khả năng thẩm thấu lãi suất- vốn rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong quý IV, tiếp tục đóng góp để tăng trưởng GDP tích cực trên 5%.
Có thể bạn quan tâm
Tìm giải pháp đẩy lùi thị trường tín dụng đen
09:54, 31/10/2023
Gần 2/3 dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh có lãi suất dưới 9,75%
15:16, 02/11/2023
Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Hỗ trợ thúc đẩy tín dụng, cho vay
04:01, 30/10/2023
Ngăn chặn quảng cáo “tín dụng đen”: Cần nâng mức xử phạt để răn đe
02:16, 28/10/2023
Quảng cáo… “tín dụng đen” trái phép: Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý
05:47, 26/10/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 25/10: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó giải ngân
04:46, 25/10/2023