Không chỉ các TCTD phải chịu đánh giá độc lập từ các bên khác mà cũng cần hướng đến sử dụng XHTN độc lập như một phần để đo lường đánh giá quản trị rủi ro tín dụng, ra quyết định cho vay...
>>>Nước rút xếp hạng tín nhiệm: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?
LTS: Theo Nghị định 08/2023, hết 31/12/2023, nhiều quy định tạm hoãn áp dụng sẽ quay trở lại từ đầu 2024 trong đó có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (theo Nghị định 65 và 155).
Trong ngành ngân hàng, chúng ta đều biết bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tự đánh giá XHTN đối với tất cả các khách hàng của mình.
Việc đánh giá XHTN khách hàng ở góc độ ngân hàng là làm cơ sở để cho vay, cũng như cơ sở để xác định đơn vị có thể đầu tư với khẩu vị rủi ro, lãi suất ở mức độ nào. Theo đó, khách hàng có tín nhiệm cao thì sẽ được ưu đãi lãi vay, cấp hạn mức tín dụng tốt hơn, NH có thể sẵn sàng mua TPDN của đơn vị đó phát hành và thực thi các nghiệp vụ/ đại lý NH…
Tuy nhiên, nếu như là đánh giá từ một phía TCTD thì có thể chưa đủ. Để đánh giá mang tính khách quan một cách toàn diện và đầy đủ, tôi cho rằng các TCTD cũng cần có cơ sở tham cứu từ XHTN doanh nghiệp của đơn vị XHTN độc lập. Từ XHTN của tổ chức độc lập, NH cũng có cơ sở so sánh, soi chiếu với đánh giá theo những tiêu chí mà tổ chức mình xây dựng. Các tiêu chí, phương pháp các bên đánh giá thông thường không thống nhất và khác nhau, nhưng các bên có thể “học”, tham cứu, xem đó là cơ sở để tham khảo thêm trong các quyết định cho vay, đầu tư. Cả hệ thống, thị trường đều đang hướng về sự minh bạch, do đó, việc xây dựng hệ thống XHTN chuyên nghiệp, độc lập là cơ sở để thể hiện và hướng đến minh bạch, thay cho các bên tự tổ chức xếp hạng hoặc chỉ dừng lại ở tham cứu kết quả đánh giá của kiểm toán.
>>>Xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường vốn quản trị được rủi ro
Hiện nay, với các doanh nghiệp lớn và nhóm niêm yết, đại chúng, chúng ta có kiểm toán độc lập, bắt buộc, nhưng kết quả kiểm toán theo tôi là “cắt lớp” hoạt động của doanh nghiệp trong một năm, chưa đầy đủ để đánh giá tín nhiệm của một doanh nghiệp trước đây hay triển vọng tín nhiệm về sau. Giai đoạn vừa qua, khó khăn của thị trường TPDN đã cho chúng ta những bài học, bao gồm với cả các TCTD. Trên thị trường vốn, các TCTD có vai trò rất lớn, do đó, không chỉ các TCTD phải chịu đánh giá độc lập từ các bên khác mà cũng cần hướng đến sử dụng XHTN độc lập như một phần để đo lường đánh giá quản trị rủi ro tín dụng, ra quyết định và theo dõi hồ sơ năng lực doanh nghiệp trong quá trình cho vay.
Ở đây vẫn phải nhấn mạnh rằng XHTN chỉ một yếu tố hỗ trợ bước đầu, giúp TCTD tham cứu khi cho vay và tham cứu trong quá trình quản trị rủi ro đối với nguồn vốn vay, nó không phải là đảm bảo an toàn, hay đồng nghĩa rằng XHTN ban đầu của doanh nghiệp tốt thì về sau nó sẽ tốt. Bản thân XHTN không phải chỉ để phục vụ cho mục đích doanh nghiệp phát hành, huy động vốn xong là xong. Nhà đầu tư căn cứ trên XHTN để tin rằng “tôi mua trái phiếu này của một doanh nghiệp mà đến đáo hạn họ sẽ trả lãi đầy đủ cho tôi theo mức cam kết”. Có nghĩa rằng cần phải kiểm soát được đồng vốn huy động đó sử dụng như thế nào, kinh doanh hiệu quả ra sao…
Điều này cần vai trò của Nhà nước, XHTN không thay thế được mà chỉ “đi theo”, dự phóng các kịch bản rủi ro, đánh giá cập nhật. Cơ quan XHTN không kiểm soát, TCTD cũng không có quyền kiểm soát, phải là Nhà nước kiểm soát sử dụng vốn của doanh nghiệp. Cho đến nay các quy định, cơ chế còn thiếu quy định về vấn đề này và rất cần sự bổ sung quy định này để các giá trị nền tảng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cứng của thị trường… cùng phát huy hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Tecombank dẫn đầu về vị thế vốn, xếp hạng tín dụng
09:41, 03/10/2023
EVN nhận xếp hạng tín dụng tích cực của Fitch Ratings: “Bảo chứng” phát hành trái phiếu quốc tế
11:12, 15/06/2018
EVN nhận xếp hạng tín dụng tích cực của Fitch Ratings
15:40, 08/06/2018
Cần có xếp hạng tín dụng cá nhân
06:10, 25/01/2018