Doanh nghiệp đơn độc bảo vệ an toàn thương hiệu

Trường Phước 28/08/2018 11:16

Công bằng nào cho doanh nghiệp khi rơi vào rủi ro thương hiệu bởi những phát ngôn đôi khi vội vàng của các cán bộ quản lý nhà nước và cả sự năng nổ không đúng lúc của giới truyền thông.

Theo báo cáo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) về vụ việc xảy ra tại siêu thị Con Cưng mới đây chỉ là vi phạm hành chính, và vi phạm này không nghiêm trọng.

Cửa hàng Con Cưng vắng khách từ khi dính nghi án tráo nhãn mác

Cửa hàng Con Cưng vắng khách từ khi dính nghi án tráo nhãn mác

Cụ thể những vi phạm có số lượng hàng hóa vi phạm ít, giá trị hàng hóa vi phạm nhỏ và mức tiền xử phạt theo quy định thấp, chủ yếu vi phạm về hành vi ghi nhãn mác hàng hóa, chứ không có hành vi kinh doanh giả mạo xuất xứ, hàng không rõ nguồn gốc.

Những vi phạm này được cho là "khá nhẹ nhàng" trước những thông tin từ một số thành viên đoàn kiểm tra mà báo chí đã dẫn lời cứ như Con Cưng "hư hỏng" đến nơi.

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ thống quán Cơm tấm Kiều Giang rơi vào tình trạng đìu hiu khách

    Hệ thống quán Cơm tấm Kiều Giang rơi vào tình trạng đìu hiu khách

    16:03, 25/08/2018

  • Giám đốc cơm tấm Kiều Giang: Mong báo chí thông tin khách quan trước khi có kết luận chính thức

    Giám đốc cơm tấm Kiều Giang: Mong báo chí thông tin khách quan trước khi có kết luận chính thức

    13:28, 25/08/2018

  • Cơ quan quản lý “mất điểm” khi bị lật lại vụ Con Cưng

    Cơ quan quản lý “mất điểm” khi bị lật lại vụ Con Cưng

    12:08, 24/08/2018

Hậu quả nhãn tiền của sự “nhiệt tình” thái quá của cơ quan quản lý với hoạt động kinh doanh có thể coi là kinh hoàng, khi mà doanh số của Con Cưng được cho là sụt giảm tới 20% trong thời gian bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra.

“Nạn nhân” mới nhất giống Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang. Thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm nay cũng khản cổ kêu than sau khi bị giảm tới 1/3 lượng khách hàng do bị nghi ngờ sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Đau ở chỗ, “nguồn gốc” cũng lại tới từ việc Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM tới kiểm tra và được báo chí dẫn lời về việc phát hiện “nguyên liệu lạ”.

Sau sự cố vừa qua, lượng khách đến với Kiều Giang đã giảm khoảng 1/3, hiện tại chỉ còn một số khách quen đến ủng hộ, chia sẻ.

Sau sự cố vừa qua, lượng khách đến với Kiều Giang đã giảm khoảng 1/3, hiện tại chỉ còn một số khách quen đến ủng hộ, chia sẻ.

Nhưng dù “nguyên liệu lạ” kia được nhà hàng chứng minh là bí quyết kinh doanh dùng trong ướp thịt, và kết luận còn ở phía trước, thì việc một số báo điện tử, mạng xã hội dẫn lời “nguyên liệu lạ” của cán bộ quản lý nhà nước cũng khiến doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng này bị khách hàng dè chừng, cảnh giác…

Chỉ một cơn sóng truyền thông lướt qua cho đến khi có kết luận khẳng định “nguyên liệu lạ” kia thực sự là gia vị gia truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì những rủi ro về uy tín thương hiệu là khó lòng xóa bỏ.

Khi mà các cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra lời phát biểu, nhận xét không phù hợp ngay tại thời điểm kiểm tra và khi mà các cơ quan truyền thông lại quá mơ hồ về những “nguyên liệu lạ” thì có lẽ doanh nghiệp vẫn còn phải đơn phương chống đỡ một mình trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu.

Nhưng có cái đáng sợ hơn ở sự vội vã công bố thông tin như hai trường hợp trên, tuy chưa phân định rõ có nằm trong hay ngoài hàng lang pháp lý, giữa được và không được hành xử của cơ quan công quyền, doanh nghiệp bảo sao không nơm nớp mỗi khi “đối đầu ” nhân viên công vụ bởi “được vạ thì má đã sưng”.

Trường Phước