Hàng nghìn lao động thất nghiệp khi nhà máy Vĩnh Chân di dời: Chủ doanh nghiệp đã về nước?
Liên quan đến việc gần 1.000 lao động tại Nhà máy Vĩnh Chân Việt Nam trước nguy cơ thất nghiệp, PV DĐDN đã có buổi làm việc với Liên đoàn lao động quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Liên quan đến việc, ngày 25/2, gần 1.000 lao động Cty TNHH quốc tế Vĩnh Chân Việt Nam đến làm việc theo thông báo của doanh nghiệp nhưng bất ngờ... bị đứng ngoài. PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Quyền lợi người lao động sẽ được bảo đảm?
Ông Lê Trần Tùng Cương – Chủ tịch LĐLĐ quận Dương Kinh cho biết, ngày 20/2, LĐLĐ quận nhận được công văn số 12 của Công ty Vĩnh Chân Việt Nam thông báo việc giải thể doanh nghiệp, đóng cửa 2 cơ sở của công ty. Với lý do, cơ sở 1 nằm trong khu vực văn hóa của TP cho nên UBND TP Hải Phòng đã có hướng dẫn, yêu cầu công ty di dời nhà xưởng nên công ty có phương án sắp xếp đưa nhân sự về làm việc tại Công ty TNHH GFT Unique Việt Nam tại CCN Ngũ Hùng, Giang Thanh, Thanh Miện, Hải Dương thời hạn từ ngày 15/1 – 1/3. Và do cơ sở 1 (sản xuất công đoạn đầu) đóng cử nên cơ sở 2 (sản xuất công đoạn sau) sẽ không còn nguồn hàng để làm công đoạn thành phẩm nên cũng phải đóng cửa theo phương án sắp xếp nhân sự cùng thời gian và địa điểm như cơ sở 1. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa có thông báo gì về “số phận” của công ty.
"Công ty cam kết sẽ giải quyết đầy đủ, bảo đảm mọi quyền lợi cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ đối với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các công đoạn xử lý của doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn, giữa người lao động và công ty vẫn không thể thống nhất được việc giải quyết chế độ trợ cấp nghỉ việc cho công nhân lao động. Còn về vấn đề việc làm của công nhân công ty thì không đáng ngại vì trên địa bàn quận nhu cầu lao động của các doanh nghiệp khác đang rất cần. Chúng tôi sẽ giới thiệu số lao động của công ty tới các công ty khác có nhu cầu tuyển dụng" – ông Cương chia sẻ.
Sáng ngày 25/2, trao đổi với nhiều công nhân lao động tại cổng công ty, rất nhiều công nhân cho biết buổi sáng họ ra khỏi nhà đi làm với tư tưởng hồ hởi và phấn khởi, nhiều người còn chuẩn bị cả cơm trưa nhưng khi đến công ty trong tình trạng “cửa đóng then cài”, người lao động bị đối xử rẻ mạt, bất ngờ bị đứng ngoài thì họ hoàn toàn thất vọng vì cách ứng xử của chủ sử dụng lao động.
Chị Nhung bày tỏ, các cơ quan chức năng cần sớm có thông báo chính thức về tình trạng của công ty. Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm lo tiền lương công ty còn nợ công nhân; tiền BHXH, hỗ trợ hỗ trợ một khoản tiền trong thời gian người lao động chưa tìm được công việc mới…
Công ty Vĩnh Chân Việt Nam nằm trong tập đoàn GFT của Hồng Kông, chuyên sản xuất đồ chơi. Tại Hải Phòng, công ty có 3 chi nhánh: An Lão, CCN Tân Liên – Vĩnh Bảo, Dương Kinh. Trước đó, chi nhánh tại An Lão đã làm thủ tục bàn giao, di dời đến địa điểm mới.
Chủ doanh nghiệp "bặt vô âm tín"?
Hiện tại, chủ doanh nghiệp Vĩnh Chân Việt Nam tại Hải Phòng – người Hồng Kông đã về nước, làm việc với các cơ quan ban ngành địa phương là người Việt Nam.
Được biết, đã rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hoạt động được 5 – 6 năm tại 1 địa phương lại giải thể, di dời đến địa phương khác hay chủ doanh nghiệp “bặt vô âm tín”, để lại người lao động bơ vơ vì bị nợ lương, người lao động lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai, phụ nữa sau sinh… khó tìm việc.
Ví dụ, năm 2017, 900 công nhân Cty TNHH may mặc Vina Kangaroo (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), hoang mang, lo lắng khi ông chủ Hàn Quốc bỏ về nước, bỏ mặc quyền lợi của người lao động với số nợ BHXH 5 tỷ đồng, nợ lương công nhân từ tháng 2,3,4/2017 khoảng 7 tỉ đồng…
Tháng 11/2018, công nhân Công ty TNHH MTV Cho Won 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất nhựa, đóng tại huyện Nhơn Trạch đã kiến nghị khi Chủ doanh nghiệp bất ngờ về nước và không liên hệ được. Trong khi Công ty đang nợ bảo hiểm xã hội, nợ 2 tháng lương của người lao động.
Hay mới đây, tại Bình Dương Công ty TNHH ICOVI International nợ lương của công nhân trước tết Nguyên đán 2019. Nhưng sau tết không thấy chủ doanh nghiệp quay lại khiến công nhân làm việc tại đây bơ vơ.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Nguy cơ hàng nghìn lao động thất nghiệp khi nhà máy di dời
14:50, 25/02/2019
Hành trình khởi nghiệp của 9X Hải Phòng trên hòn đá cuội
05:25, 22/02/2019
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Được xem xét cho hoàn vốn
16:04, 16/02/2019
Hải Phòng vẫn thiếu khu công nghiệp
03:04, 16/02/2019
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến thời điểm hiện tại có khoảng hơn 100 doanh nghiệp có chủ nước ngoài bỏ trốn với hơn 4.000 lao động, nợ số tiền 51,5 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH 45,6 tỉ đồng, nợ BHYT 4 tỉ đồng; nợ BHTN 1,9 tỉ đồng. Điểm chung của các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn là tài sản ở hầu hết doanh nghiệp không còn nữa; hoặc đi thuê; hoặc trước đó đã tẩu tán tài sản. Vì vậy, đối với những trường hợp này, khi tổ chức giải thể, phá sản hoặc thanh lý, quản lý số tài sản phục vụ cho quyền lợi của người lao động thì hầu như không còn gì, nên quyền lợi của người lao động gặp nhiều khó khăn. Họ bị nợ lương, nợ BHXH...
Đã có rất nhiều ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ về nước khiến người lao động bơ vơ. Liệu Công ty Vĩnh Chân Việt Nam có là một trong số đó?
Báo DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!