Rủi ro hàng Việt bị chống lẩn tránh thuế
Xung đột thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đã tạm ngưng leo thang, tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn phải chịu những ảnh hưởng nhất định.
Và câu chuyện làm thế nào để phòng vệ thương mại xem ra vẫn còn là những vấn đề lớn đối với doanh nghiệp.Diễn giải về những điểm cần lưu ý trong phòng vệ thương mại xuất phát từ câu chuyện xung đột thương mại Mỹ - Trung, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Hiện Cục Phòng vệ thương mại đang xây dựng và cập nhật, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp có thể dự báo trước được các hàng hóa dễ bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở nước ngoài cũng như theo dõi hàng hoá nhập khẩu ở nước ngoài vào Việt Nam từ đó chủ động hơn đối với các vụ việc điều tra về PVTM.
Đâu là những lưu ý trong phòng vệ thương mại?
Cũng theo ông Chu Thắng Trung, trong giai đoạn 2017-2018, PVTM từ Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 35%. Đáng chú ý là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn làm gia tăng xu thế bảo hộ trên toàn cầu do Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột hàng hoá có xu hướng tràn sang nước thứ 3 và các nước thứ 3 cũng có thể áp dụng các biện pháp PVTM.
Và sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng loạt các nước khác cũng áp dụng các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép. Đối với Việt Nam, thời gian qua Việt Nam đã bị Hoa Kỳ điều tra PVTM chống bán phá giá 14 vụ trong đó 13 vụ bị kiện đồng thời với kiện Trung Quốc. Ngoài ra còn có 6/6 vụ việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam được áp dụng đồng thời đối với hàng hoá của Trung Quốc.
Những vấn đề nêu trên không chỉ gia tăng điều tra PVTM, Hoa Kỳ còn áp dụng các cơ chế bất lợi đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình điều tra các vụ kiện. Theo đó, cơ quan điều tra không chấp nhận chi phí sản xuất của doanh nghiệp đưa ra mà chỉ chấp nhận báo cáo lượng sử dụng các chi phí đầu vào và các yếu tố liên quan đến quá trình sản xuất…
Mức giá của sản phẩm được lấy ở nước thứ 3 mà Hoa Kỳ coi là đã có nền kinh tế thị trường thông thường là Ấn Độ, Banglades. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp không được chấp nhận, do đó bị liệt vào loại hàng hóa sử dụng chi phí khác cao hơn giá bán sau đó bị kết luận là bán phá giá.
Có thể bạn quan tâm
Chủ động trước các vụ kiện phòng vệ thương mại
12:00, 26/01/2019
Doanh nghiệp xuất khẩu làm gì để tránh điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại?
06:00, 02/01/2019
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ thương mại
09:05, 08/12/2018
Mỹ tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo – Văn phòng Luật sư IDVN, nhận định: từ xung đột căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ càng khiến cho rủi ro bị kiện tụng với hàng Việt tăng lên.
Cụ thể, gần đây phía Mỹ có xu hướng tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế (với hàng hóa đi qua một nước trung gian để xuất khẩu tới Mỹ). Nếu như sau cuộc điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có mức thuế cụ thể. Nếu kết luận là “có” thì cơ quan chức năng Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu cho hàng Việt theo kiểu “án lệ”. Ví dụ, thuế đánh lên mặt hàng ván ép gỗ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ là 300%. Và nếu lô hàng ván ép nào từ Việt Nam phải nhận kết luận có lẩn tránh thuế thì sẽ bị áp luôn mức thuế này. “Ở đây, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với bị áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp” – Luật sư Thảo nói.
Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết: hàng Việt Nam đi Mỹ hoặc EU đều là nhóm sẽ bị điều tra chống bán phá giá theo phương pháp phi thị trường, tức là nhà điều tra không thừa nhận chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, nhóm 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng bị điều tra sẽ là bị đơn bắt buộc, phải báo cáo số liệu chi tiết và chính xác cho nhà điều tra Mỹ hoặc EU theo từng mã sản phẩm (cả về giá bán, chi phí, lượng tiêu thụ lẫn các yếu tố đầu vào…).
Do đó, trong vấn đề này doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn lực tài chính để đầu tư cho các vấn đề kỹ thuật về pháp lý, bởi có những quyết định chọn nhầm thông tin để khai báo khi tham gia điều tra sẽ có thể khiến biên độ thuế chống bán phá giá tăng từ 5% lên 50%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải biết tiến thoái đúng lúc. Khi không có hệ thống lưu trữ chứng từ chuẩn xác thì cách tốt nhất là nên tuyên bố từ bỏ cuộc điều tra. Bởi nếu không vượt qua được giai đoạn thẩm tra thì tất cả doanh nghiệp Việt xuất khẩu cùng mặt hàng sẽ bị áp thuế ở mức rất cao. Trong khi đó, nếu từ bỏ thì chỉ mình doanh nghiệp đó phải “chịu trận” và có thể được xem xét giảm thuế trong các đợt rà soát sau này. Bù lại, các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ có cơ hội “sống sót”. Và điều này đòi hỏi phải có sức mạnh đoàn kết, sự hỗ trợ từ các nhà xuất khẩu cùng ngành về chi phí, nhân lực – ông Châu Việt Bắc khuyến nghị.