Tranh chấp giữa Vietmindo và Tân Việt Bắc: Tân Việt Bắc không vi phạm các điều khoản hợp đồng?
Đại diện Tân Việt Bắc khẳng định doanh nghiệp không vi phạm các điều khoản hợp đồng.
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, cho rằng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Cty Tân Việt Bắc) đã không thực hiện đúng cam kết, Công ty PT.Vietmindo Energitama (Cty Vietmindo) đã hủy hợp đồng dẫn đến 2 bên xảy ra tranh chấp kéo dài gần một năm qua chưa có hồi kết. Đỉnh điểm là ngày 5/3, hàng trăm công nhân của 2 đơn vị đã “nghênh chiến” trong khai trường khai thác than, gây mất an ninh trật tự. Tình trạng trên đã khiến hàng trăm công nhân của 2 doanh nghiệp bị mất việc nhiều tháng qua.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Tân Việt Bắc về sự việc trên. Liên quan đến việc Vietmindo đơn phương chấm dứt hợp đồng với Tân Việt Bắc vì cho rằng Tân Việt Bắc không hoàn thành sản lượng theo hợp đồng. Đại diện Tân Việt Bắc khẳng định doanh nghiệp không vi phạm các điều khoản hợp đồng, ngoại trừ duy nhất có 1 quý thiếu hụt khối lượng do thời tiết mưa nhiều. Sau đó công ty đã chấp nhận phạt theo hợp đồng và đã kịp thời khắc phục bằng cách tăng cường sản xuất, khai thác để bù đắp sản lượng. Kết quả thực hiện vượt khối lượng cả năm đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, việc Vietmindo thông báo chấm dứt hợp đồng số 015 là không đúng, không có giá trị pháp lý.
Tại công văn số 257/LO-VE/CEO/TVB/VII/2018 Vietmindo đưa ra 2 lý do để chấm dứt hợp đồng số 015 với Tân Việt Bắc: Tân Việt Bắc đã không đạt chỉ tiêu hoạt động 2 quý liên tiếp là quý III, quý IV/2016 (từ tháng 10/2016 đến hết tháng 3/2017); Tân Việt Bắc không thực hiện, sơ suất hoặc không đủ khả năng tuân thủ các điều khoản, điều kiện và nghĩa vụ theo hợp đồng…
Lý giải vấn đề này ông Phạm Xuân Mạnh – PGĐ Công ty Tân Việt Bắc cho biết, thời gian quý III và quý IV/2016 là giai đoạn sau khi Vietmindo đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Hoàn Đan làm đình trệ quá trình sản xuất hơn 9 tháng của Tân Việt Bắc. Năm 2016, Tân Việt Bắc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, để đấu tranh với Công ty Hoàn Đan, làm việc với chính quyền Quảng Ninh lấy lại mặt bằng sản xuất cho Vietmindo. Trong giai đoạn 2016 – 2018, việc hợp tác giữa Vietmindo và Tân Việt Bắc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi đảm bảo các quy định hợp đồng giữa 2 công ty. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh như hụt sản lượng và tăng sản lượng sản xuất đã được các bên thống nhất trên tinh thần của hợp đồng.
Sau khi hoàn thành công việc của năm 2016 (phụ lục hợp đồng số 09), 2 bên lại tiếp tục ký hợp đồng phụ lục số 16 ngày 28/3/2017 về chỉ tiêu hoạt động của hợp đồng từ tháng 4/2017 – 3/2018.
“Công việc năm 2016 đã kết thúc, 2 bên đã thống nhất chuyển sang công việc của năm 2017 bằng việc ký phụ lục hợp đồng mới. Nhưng đến 02/7/2018, Vietmindo vin vào cái cớ chúng tôi không đạt sản lượng năm 2016 để kết thúc hợp đồng, thật là vô lý” – ông Mạnh bức xúc.
Để thực hiện hợp đồng với Vietmindo, Tân Việt Bắc đã đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, đáp ứng việc khoan, nổ mìn, bốc xúc đất đá và than nguyên khai trị giá thiết bị 200 tỷ đồng và tuyển dụng 300 lao động làm việc thường xuyên trên công trường. Việc tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào của Vietmindo không những gây ảnh hưởng nặng về vật chất, 200 tỷ thiết bị phơi sương, phơi nắng gần như thành đống sắt vụn, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của 300 lao động và hàng nghìn nhân khẩu sống dựa vào thu nhập của những lao động chính này.
Ông Mạnh cho biết: “Chúng tôi chỉ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và rút toàn bộ thiết bị ra khỏi công trường sau khi 2 bên chấp nhận đàm phán, thương lượng trên cơ sở Công ty Vietmindo phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Tân Việt Bắc. Trường hợp, bất đồng giữa 2 bên không thương lượng được thì giải quyết theo điều 1.9 của hợp đồng về giải quyết tranh chấp. Theo đó, nếu các tranh chấp không thể giải quyết thông qua hòa giải, các bên có thể đưa ra tòa án, trọng tài có thẩm quyền để giải quyết”.
Theo Tân Việt Bắc, tại thời điểm phải dừng hoạt động khai thác, doanh nghiệp đã thực hiện công tác, khoan, nổ mìn nhưng chưa bốc xúc vận chuyển đi được (do Vietmindo không ký tiếp phụ lục hợp đồng). Nhưng từ ngày 01/6/2018 – 27/6/2018 Vietmindo đã cho Công ty Tuấn Minh vào bốc xúc, vận chuyển đất, đá do Tân Việt Bắc đã khoan, nổ mìn. “Do đó, buộc chúng tôi phải đưa thiết bị của mình ra tập kết tại vị trí khai trường để bảo vệ tài sản và quyền lợi hợp pháp của mình” – ông Mạnh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Tranh chấp giữa Vietmindo và Tân Việt Bắc – Quảng Ninh: Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?
05:30, 07/04/2019
Quảng Ninh: Tìm đầu ra cho miến dong Bình Liêu
18:01, 05/04/2019
Quảng Ninh nên bỏ việc đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm?
09:00, 04/04/2019
Cũng theo ông Mạnh, đối với yêu cầu Tân Việt Bắc di chuyển thiết bị ra khỏi khai trường của UBND TP Uông Bí, chúng tôi không thể thực hiện khi chưa nhận được thanh toán và bồi thường của Vietmindo. Việc lưu giữ thiết bị, máy móc tại khai trường nhằm bảo quản chứng cứ để cơ quan tài phán xác minh, thu thập làm căn cứ để giải quyết 1 cách khách quan, công bằng cho cả đôi bên. Do vậy, nếu Tân Việt Bắc di dời các thiết bị, máy móc trên đi nơi khác sẽ làm sai lệch chứng cứ, và hoàn toàn có thể bị cơ quan tài phán đặt dấu hỏi nghi ngờ về tính trung thực của chứng cứ.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Vietmindo đã không tích cực thực hiện đàm phán với Tân Việt Bắc mà còn có thái độ bất hợp tác. Đáng ra thay bằng thương lượng theo quan hệ thương mại – dân sự thì Vietmindo lại xử lý bằng cách hành chính hóa quan hệ kinh doanh thương mại, yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương can thiệp bằng biện pháp hành chính không đúng quy định pháp luật – ông Mạnh nói.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin