"Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm miến dong, chúng tôi đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng và các siêu thị, đại lý. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn".
Đó là chia sẻ của ông La A Nồng - Giám đốc HTX Đình Trung (một trong những cơ sở sản xuất miến dong quy mô lớn tại Bình Liêu).
Miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao được chế biến từ cây dong riềng. Mặc dù được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng tốt và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, thế nhưng, hiện tại miến dong Bình Liêu vẫn đang loay hoay tìm đầu ra ổn định. Vậy giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này là gì?
Ông La A Nồng chia sẻ, năm 2018, sản lượng tiêu thụ miến của HTX dự kiến giảm khoảng 30% so với mọi năm. Hiện giá thành sản phẩm miến dong đã hạ xuống mức 75.000 đồng/kg so với 100.000 đồng/kg như trước kia. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm miến dong, chúng tôi đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng và các siêu thị, đại lý. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do trên thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh với mức giá thấp hơn.
Năm 2018, Bình Liêu trồng 345,1ha dong riềng, sản lượng đạt 13.924 tấn, tăng 5.615 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, việc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong lại gặp phải những khó khăn về giá, thị trường phân phối.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, trong việc tiêu thụ củ dong riềng và sản phẩm miến dong trên địa bàn, UBND huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư nhiều hạng mục hỗ trợ sản xuất cho các cơ sở chế biến trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ các cơ sở chế biến miến dong tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ, các cửa hàng, siêu thị, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ miến dong cho huyện... đưa sản phẩm miến dong Bình Liêu phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Song song với đó, huyện cũng thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tại các thôn Pắc Pò, Nà Áng (xã Đồng Tâm) và hệ thống điện thôn Nà Ếch (xã Húc Động) để tạo nguồn điện ổn định, phục vụ sinh hoạt của người dân và các cơ sở chế biến miến dong, với tổng kinh phí thực hiện gần 2 tỷ đồng. Xây dựng dự án hỗ trợ các cơ sở nâng cấp dây chuyền chế biến miến dong với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng; đầu tư hệ thống công nghệ xử lý môi trường với kinh phí 1,5 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các cơ sở chế biến miến dong.
Cùng vào cuộc với huyện, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Công Thương kêu gọi các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn sử dụng các nông sản của địa phương, trong đó có miến dong Bình Liêu.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 04/04/2019
21:53, 01/04/2019
14:33, 01/04/2019
Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở tiêu thụ, quảng bá nông sản nói chung và miến dong Bình Liêu nói riêng ra ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, Sở Công Thương đã gửi văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ miến dong Bình Liêu. Sở Công Thương Bình Liêu đã kết nối đưa sản phẩm vào 6 siêu thị BigC trên toàn quốc và đã thực hiện cung cấp hàng để bán thử. Song song với đó, các đơn vị tiếp tục mở rộng các điểm bán lẻ, bán buôn, tham gia các Hội chợ, tuần lễ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.