Hiểm nguy rình rập từ xe “siêu tải trọng” biển kiểm soát Lào
Vượt khung tải trọng, chạy thục mạng khi đổ dốc... khiến nhiều hệ lụy xấu cho an toàn giao thông mà những chiếc xe siêu trường, siêu trọng biển soát (BKS) Lào gây ra trên các cung đường bộ Việt Nam.
Đây là thực trạng các xe tải trọng lớn BKS Lào đang vô tư tung hoành ngang dọc từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) xuống cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và ngược lại suốt thời gian qua mà báo Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã có loạt bài phản ánh từ những tháng cuối năm 2019.
Bao giờ hết cảnh xe BKS Lào “đại náo” đường Việt?
Suốt thời gian qua, hơn 100km từ QL 1A đoạn qua Quảng Bình, cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) hướng lên phía cửa khẩu Cha Lo theo QL 12A, 12C in hình dày đặc dấu xe BKS Lào chở khoáng sản.
Những chuyến xe chở quặng sắt, quặng đồng, thạch cao… từ Lào đổ về qua các cung đường nói trên vô tư nối đuôi nhau chạy thục mạng khi đổ đèo, dốc. Lòng đường hẹp, cung đường thưa vắng các phương tiện qua lại trên QL 12A khiến những chiếc xe “siêu tải trọng” BKS Lào lại càng chạy nghênh ngang hơn.
Được đăng ký, đăng kiểm... bên nước Lào nên các dòng xe loại này có thể dễ dàng "qua mặt" các quy định về giới hạn tải trọng của pháp luật Việt Nam?
Trong quá trình “mục sở thị” mới đây tại Quảng Bình, chiếc xe ô tô 5 chỗ của chúng tôi nhiều phen cũng phải hú hồn khi ngược chiều với xe tải BKS Lào được hình thành theo cách gọi của người dân sinh sống dọc QL 12A, QL 12C là “đoàn tàu chạy trên đường bộ”.
Cùng với đó, mối lo tiềm ẩn cho hạ tầng giao thông khi những “đoàn tàu chạy trên đường bộ” này vẫn ngang nhiên hoạt động trên các tuyến đường ở Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những xe tải trọng lớn gắn BKS Lào nói trên tung hoành trên QL 12 A, QL 12C, QL 8A, QL 1A… thuộc địa phận Việt Nam kể từ khi Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam đã ký với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào ngày 15/9/2010 tại Hà Nội.
Vậy nhưng, cũng tại Điều 4 của Hiệp định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Lào – Việt Nam cũng quy định “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó”.
Nhiều bất cập chưa được làm rõ
Điều bất cập quá rõ đó là các dòng xe “siêu tải trọng” BKS Lào lâu nay vẫn không phải đóng phí bảo trì đường bộ, được phép chở vượt khung tải trọng khi lưu thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ… Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sau khi có “lệnh bài” nói trên, các xe tải trọng BKS Lào được đăng ký, đăng kiểm… đủ điều kiện lưu thông bên nước Lào vẫn vô tư “đại náo” đường bộ Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Xe tải trọng biển kiểm soát Lào “đại náo” đường Việt: Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng
07:29, 25/11/2019
Cán bộ nghỉ việc vẫn thẩm định ĐTM (Kỳ V): Vì sao Sở TN&MT Nghệ An “câu giờ” hồi âm báo chí?
11:00, 20/02/2020
Nghệ An “bế tắc” đưa các cụm công nghiệp ra khỏi đô thị?
04:50, 17/02/2020
Mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông
19:00, 05/08/2019
Trong khi đó, cùng với lộ trình di chuyển như xe tải trọng gắn BKS Lào thì doanh nghiệp vận tải trong nước lại phải “gánh” đầy đủ các loại phí, lệ phí… theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bởi với những xe “siêu trường, siêu trọng” liên tục “ăn hàng” với tải trọng trên dưới 70 tấn di chuyển, chở hàng xuống cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình) từ cửa khẩu Cha Lo…đang trở thành mối lo ngại về sự xuống cấp cầu, đường bộ trong nước.
Đặc biệt, tại Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng… cũng quy định tổng trọng lượng của tổ hợp xe lớn hơn hoặc bằng 48 tấn.
Đáng quan tâm là đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc cũng quy định tổng trọng lượng tổ hợp xe lớn hơn hoặc bằng 45 tấn.
Xe siêu trường, siêu trọng gắn BKS Lào tung hoành ngang dọc ở QL 12A gây ra nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn ATGT và hạ tầng đường bộ Việt Nam
Trong khi xe gắn BKS Việt Nam chỉ được phép chở tải trọng tối đa lớn hơn hoặc bằng 48 tấn nếu tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc có tổng số trục dài hơn 6,5m quy định tại khoản d, Điều 17, Nghị định 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015.
Nếu theo quy định của Luật giao thông đường bộ Việt Nam thì những xe vận tải có tổ hợp đầu kéo sơmi moóc gắn BKS trong nước chỉ được phép chở tải trọng nói trên.
Tuy nhiên, đối với xe tải trọng gắn BKS Lào loại 26-28 bánh với 02 toa kéo lại được phép gánh trên dưới 70 tấn lưu thông sau khi quá cảnh, thông quan tại các cửa khẩu.
Với thực trạng nêu trên, khi làm việc với các cơ quan chức năng, phóng viên nhận được câu trả lời đưa ra là vì có Hiệp định thư giữa Lào – Việt Nam nên nhiều bất cập thấy rõ nhưng không thể xử lý?!
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.